fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Matthêu. (Mt 5,20-26)

“Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Luật lệ và hiến pháp luôn có một vị trí quan trọng hàng đầu trong mọi quốc gia, dân tộc hay một tập thể. Đối với dân Israel, Lề Luật còn thể hiện ý muốn của Thiên Chúa đối với họ. Tuy nhiên, giới lãnh đạo tôn giáo vì muốn được ca tụng là tốt lành thánh thiện, nên càng ngày họ càng suy diễn thêm những luật lệ khắt khe về hình thức, mà lại đánh mất cốt lõi chính của lề luật là tình yêu thương.

Đối với các kinh sư và người Pha-ri-sêu, họ yên tâm khi thực thi đầy đủ hình thức lề luật, và tự hào mình đã “đạt chuẩn” đạo đức. Nhưng Thiên Chúa không cần hình thức, Ngài quan tâm đến nội dung, đến tận đáy lòng con người: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.”[1] Chính vì thế, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (c.20).

Chúa Giêsu không chấp nhận cho chúng ta chỉ dừng lại ở hình thức “chớ giết người”, nhưng Ngài nhắm đến tận cõi lòng là nơi phát xuất tư tưởng tình cảm, và là nguyên lý thúc đẩy mọi hành vi của ta: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (c.22).

Chúa không đặt thêm luật, nhưng Chúa đưa luật từ hình thức bên ngoài vào tận tâm hồn con người, để chúng ta đừng làm tổn thương người khác ngay từ trong ý nghĩ của mình. Cho dù “người khác”  ấy có đáng giận đáng trách hay không, có ngốc hay có phản đạo hay không, ta cũng không được phép xúc phạm đến người ấy.

Hơn nữa, cũng như người cha nhân hậu, khi người con cả gọi người em phung phá là “thằng con của cha”, ông lại nói với anh rằng đó là “em con”[2], Chúa Giêsu không muốn chúng ta nhìn “người kia” bằng cái nhìn xa lạ của người anh nhìn đứa em phung phá, Ngài dạy chúng ta nhìn “người ấy” là “anh em mình”, rằng cả chính tôi và “người anh em ấy” là con cùng một Cha. Mà đã là anh em với nhau, thì không thể bất hòa với nhau, vì bất hòa sẽ làm Cha buồn lòng. Ở đây, Luật của Chúa Giêsu lại ẩn chứa một lời mời gọi sâu xa của tình yêu và lòng thảo hiếu đối với Thiên Chúa là Cha của chúng ta: vì yêu mến Cha nên chúng ta sống hòa thuận với nhau, yêu thương và liên đới với nhau.

Một khi tình liên đới giữa anh chị em với nhau bị rạn nứt vì bất cứ lý do nào, thì những người liên quan phải có trách nhiệm hàn gắn. Do vậy, Chúa Giêsu lại dạy ta biết khiêm nhườngquảng đại đi bước trước đến với người anh em đang bất bình với ta, cho dù ta có lỗi hay không: “nếu khi anh sắp dâng lễ vật … mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó …, đi làm hoà với người anh em ấy đã, …” (c.23-24). Chính khi chúng ta biết quý trọng tình liên đới với tất cả mọi người, là ta đã chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa vui lòng.

Mẹ Maria đã sống tâm tình hiếu thảo đó đối với Thiên Chúa cách tuyệt vời qua việc Mẹ luôn chăm sóc mối tương quan với tất cả mọi người: nghe tin người chị họ có thai lúc tuổi già, Mẹ đã lặn lội đến thăm và ở lại giúp chị trong những ngày sinh nở; Mẹ hiện diện chia vui với người thân trong tiệc cưới Cana và tận tâm giúp đỡ họ hết khả năng của Mẹ; Mẹ yêu thương đón nhận các tông đồ trong cuộc khổ nạn, khi họ chẳng được một lời bênh vực Thầy Giêsu, thậm chí đã nhát đảm bỏ trốn hay chối bỏ Con của Mẹ, cho dù Mẹ rất có lý do để trách cứ họ.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi sống tâm tình hiếu thảo đối với Thiên Chúa bằng cách:

– Duyệt xét lại các mối tương quan với mọi người: trong gia đình, họ hàng, bè bạn, lối xóm… Nếu trong tư tưởng của tôi có điều “lấn cấn” với ai, ngại gặp ai… Tôi sẽ ưu tiên đến thăm hỏi và tìm cách hóa giải sự “lấn cấn” đó.

– Luôn tìm cách giải thích tích cực nhất cho tất cả mọi người, mọi việc, và không gạt ai ra khỏi danh sách “người anh em của tôi”.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, Xin Mẹ ban cho con ơn khiêm nhường và quảng đại như Mẹ, để dám đi bước trước đến với người anh chị em đang có khoảng cách với con. Xin Mẹ dạy con yêu mến Chúa như Mẹ, để con luôn sống đẹp lòng Chúa, qua việc yêu thương hòa thuận với mọi người anh chị em con. Amen

“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.”


[1] 1 Sm 16,7
[2] Lc 15, 11-32

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *