fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ NĂM TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 7,36-50)

“Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Trong cuộc sống, chúng ta thường có một cái nhìn dễ dãi về những việc làm của chính mình, nhưng lại khắt khe với người khác. Thực ra trước mặt Thiên Chúa, ai ai cũng là tội nhân, nhưng có những người tự yên tâm về “mức độ đạo đức” của mình và không thấy mình cần đến sự tha thứ của Chúa. Đó là trường hợp của người biệt phái đã mời Chúa Giêsu đến nhà dùng bữa hôm nay.

Trong bữa đại tiệc ấy, chắc chắn mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào Chúa Giêsu. Thế nhưng, đang khi Ngài dự tiệc, một phụ nữ đầy tai tiếng xuất hiện. Cô ta không hướng đến ai khác mà lại tiến thẳng về phía Đức Giêsu, rồi khóc, cho nước mắt chảy ướt chân Chúa, rồi lại xõa tóc mà lau, rồi hôn chân Người nữa. Thật là chướng mắt quá đi chứ! Cô ta cứ xem như chỉ có một mình Đức Giêsu ở đó thôi vậy! Đó là về phía cô ta.

Còn Đức Giêsu thì sao? Ngài nghĩ gì? Ngài cứ để mặc cho chị ta muốn làm gì thì làm. Ngài không biết việc gì đang xảy ra với mình sao? Thật không phải. Hay Ngài không thèm để ý? Cũng không đúng. Ngài thấu biết tất cả mọi điều, từ mục đích và tâm trạng của người phụ nữ ấy, cho đến cả tình trạng tâm hồn của chủ nhà và ý nghĩ của ông ấy trước những gì đang diễn ra, những nghi ngờ và đánh giá của ông ta về chính Ngài.

Sự im lặng của Đức Giêsu trước những cử chỉ biểu cảm đầy táo bạo của người phụ nữ tội lỗi chính là một thách đố đối với những người “đạo đức” đang có mặt tại đó, mà ông Simon – chủ nhà – là đại diện. Ông nhìn thấy người phụ nữ tội lỗi – đồng nghĩa với sự ô uế; ông thấy Đức Giêsu để cho bà ấy chạm vào – mà theo luật, tất nhiên Đức Giêsu cũng bị ô uế theo[1]. Lẽ nào Đức Giêsu lại không biết khoản luật ấy? Hay vì Ngài quen “phá luật”? Còn nếu cho rằng Ngài không biết bà ta là kẻ tội lỗi, thì Ngài không phải là một tiên tri như mọi người vẫn nghĩ… Ông đang ở vị trí quan tòa để đoán xét và đánh giá không chỉ người phụ nữ kia mà cả Chúa Giêsu nữa.

Chúa Giêsu đã thật khéo léo hướng cái nhìn chủ quan và phiến diện của ông đến một cái nhìn biện phân logic, bằng một câu chuyện tưởng như không chạm đến ai cả: “Một ông chủ có hai con nợ… ông tha nợ cho cả hai…” tất nhiên, kẻ được tha nhiều sẽ yêu mến nhiều. Lòng yêu mến ở đây xuất phát từ lòng biết ơn. Rồi từ đó, Chúa xoay cái nhìn của ông về chính mình ông, để so sánh, đối chiếu mức độ tình yêu của ông dành cho Chúa là vị khách mà ông đã mời, với tình yêu của người phụ nữ đối với Chúa. Xem ra, ông thua xa chị ta về mức độ yêu mến, chỉ vì ông không nhìn ra Ngài chính là Đấng tha tội, và ông cũng không thấy mình cần được thứ tha, còn người phụ nữ không chỉ thấy mà còn tin cảm nhận sâu xa ơn tha thứ của Chúa.

Chúa Giêsu đã nhìn thấy tất cả những hành vi người phụ nữ vừa làm hoàn toàn không có gì xấu xa, nhưng nó xuất phát từ một lòng khiêm nhường thống hối, niềm xác tín vào Ngài là Đấng có quyền tha tội; Ngài đã tha thứ hết mọi tội lỗi của chị, và chị thực lòng yêu mến, biết ơn Ngài. Ngài đã nhìn chị như đã nhìn ông biệt phái chủ nhà – với cái nhìn bao dung và tha thứ. Ngài cũng nhìn mỗi người chúng ta hôm nay với cùng một cái nhìn ấy.

Trong kinh Magnificat[2], chúng ta cũng gặp được cái nhìn đầy khiêm nhường và tín thác của Đức Maria đối với Thiên Chúa và đầy yêu thương, bao dung đối với con người mọi thời đại: Mẹ xác tín vào Thiên Chúa là “Đấng cứu độ tôi”, Mẹ nhìn chính mình và ý thức “phận nữ tỳ hèn mọn – Người đoái thương nhìn tới”. Mẹ nhìn thấy “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia, dành cho những ai kính sợ Người…” Mẹ luôn nhìn mọi người với cái nhìn đầy thông cảm và yêu thương, để nâng đỡ và chuyển cầu cho họ.

Thánh Bênađô và Thánh Anphongsô đều nói rằng: (Bất cứ ai)“Tội lỗi nặng nề đến đâu mà đến cầu xin Mẹ, Mẹ cũng không xét xem họ có công nào đáng nhận lời không; Mẹ chỉ làm có một việc là đoái nhận và cứu giúp mọi người”[3].

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Tôi chạy đến cùng Mẹ để xin Mẹ giúp tôi

  • Nhìn mọi người, mọi việc với cái nhìn đức tin, và tìm cách giải thích mọi việc theo nghĩa tích cực nhất.
  • Nhìn nhận thân phận tội lỗi, yếu đuối, biết mình cần được Chúa tha thứ, xác tín vào tình thương tha thứ của Chúa để biết ơn Chúa và yêu mến Ngài hơn mỗi ngày.

Cầu nguyện với Mẹ:

Đọc thật chậm 3 kinh Kính Mừng, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


[1] X. Lv chương 11-15
[2] Lc 1,46-55
[3] https://hddmvn.net/loi-cac-thanh-va-danh-nhan-ca-tung-duc-me/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *