fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY

07.03.2020   –  THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 5,43-48)
“Anh em hãy nên hoàn thiện, như  Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Mỗi người chúng ta thường có nhiều mối quan hệ và nhiều cách đối xử khác nhau tùy theo sự phân biệt gần hay xa, thân thiết hay xã giao, có qua có lại… Điều này rất tự nhiên,  nhưng đối với Chúa Giêsu thì khác: Chúa đòi hỏi người môn đệ phải sống chiều kích cao hơn, xa hơn trong tương quan đối với hết mọi người, kể cả những người người ghét và làm hại mình.

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (c.44). Chúa không dạy chúng ta sống nhu nhược, chịu khuất phục trước kẻ ác, nhưng Chúa muốn người môn đệ sống tình yêu một cách quyết liệt, yêu thương không biên giới, không phân biệt bạn thù. Vì sao vậy? Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta không phân biệt, “Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (c.45). Thiên Chúa là Tình Yêu và tình yêu đó là mẫu mực của tất cả chúng ta. Tình yêu đó bắt nguồn từ Chúa Cha và được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu. Trên thập giá, Người đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người. Đó chính là sự diễn tả tuyệt vời của Chúa Giêsu về tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu không biên giới, không mức độ.

“Yêu thương tha thứ phải được định hướng bởi sự thật. Đức Ái Kitô giáo đòi hỏi phải đấu tranh tích cực cho sự thật để khử trừ tội ác và cứu vớt con người. Biến kẻ thù thành anh em”[1]. Yêu thương tha thứ là để người tội lỗi được ăn năn hối cải và trở thành con Chúa.

Người Kitô hữu sống luật Chúa không phải vì để tỏ ra mình cao thượng, quân tử, nhưng vì ý thức chúng ta là con cái Thiên Chúa, là những người con của Tình Yêu. Chúng ta phải biểu lộ cho thế giới nhận biết chúng ta là con của Cha qua đời sống yêu thương của mình: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (c.48).

Khi chiêm ngắm mẫu gương tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta đồng thời cũng thấy Mẹ Maria thinh lặng dưới chân Chúa, Mẹ đã dâng những đau khổ của Mẹ kết hợp cùng những đau khổ của Chúa Giêsu và cầu xin ơn tha thứ cho loài người. Mẹ đứng đó, cùng một tâm tình với Chúa: tha thứ cho những lý hình đã đánh đập, ngược đãi và đóng đinh Con của Mẹ; tha thứ cho các môn đệ đã chạy trốn hoặc đã chối Thầy của mình. Mẹ đã sống một cách tuyệt hảo tinh thần của Chúa Giêsu, Mẹ hiệp thông trọn vẹn vào lòng thương xót của Chúa. Sự tha thứ và cảm thông nơi Mẹ không chỉ giới hạn trong hoàn cảnh đau khổ bên thập giá, nhưng được trải dài trong suốt cuộc đời Mẹ, trong những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống. Mẹ cảm nhận được những đau khổ của người khác và nhất là những người tội lỗi. Mẹ đã từng chịu đau khổ nên Mẹ hiểu được nổi thống khổ của tất cả chúng ta.

Ngày nay, Mẹ vẫn là máng chuyển ơn thánh Chúa cho ta, đặc biệt cho những người tội lỗi khốn cùng nhất. Trong Giáo Hội đã có biết bao tội nhân được Mẹ chuyển cầu và dẫn dắt về cùng Chúa và được nên thánh thiện nhờ biết tin tưởng cậy trông nơi Mẹ, như Anphongse Ratisbonne[2], như bá tước Don Juan (trong truyện tích 9 về kinh Mân Côi).[3]

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi

  • Cầu nguyện và xin Chúa chúc lành cách đặc biệt cho người mà tôi ít yêu mến nhất.
  • Quan tâm giúp đỡ mọi người.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, tin tưởng vào tình yêu của Chúa Giêsu và sự trợ giúp của Mẹ, con quyết tâm sống yêu thương để trở nên con cái của Chúa. Xin Mẹ cùng đồng hành và nâng đỡ con, để con biết cách đem lại niềm vui, sự bình an và nâng đỡ cho mọi người mọi nơi mà con hiện diện.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/583038429226009)

[1] http://conggiao.info/yeu-ke-thu-d-49434
[2] https://gdanhducmebanon.org/mot-on-la-phi-thuong
[3] https://www.facebook.com/gxvanhai/posts/752769694749518/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *