fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

05.6.2020  – THỨ SÁU TUẦN IX TN
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 12,35-37)
“Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã giới thiệu tập sách Đức Giêsu thành Nazareth[1] của ngài bằng “suy tư ban đầu về mầu nhiệm Giêsu” với hình ảnh vị đại ngôn sứ tiêu biểu nhất trong Cựu Ước là Môsê, mà điểm nổi bật làm cho ông trở nên vĩ đại không phải là những việc ông làm để đưa dân ra khỏi Ai-cập, nhưng là vì ông được nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa diện đối diện”, như người bạn của Thiên Chúa. Thế nhưng, ông vẫn không được nhìn thấy Thánh Nhan Thiên Chúa mà chỉ được nhìn thấy phía sau Người.”

Những gì còn thiếu sót nơi ngôn sứ Môsê sẽ được viên mãn nơi vị đại ngôn sứ sau này mà Chúa đã hứa với ông: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng.”[2] Chúa Giêsu chính là Vị Ngôn Sứ hoàn hảo và vĩ đại hơn Môsê, vì Ngài là “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha”[3].

Tuy nhiên, sau thời ngôn sứ và các thủ lãnh, lịch sử dân tộc Do thái đã chuyển sang một nền quân chủ, và vị vua thánh thiện được Chúa sủng ái nhất là Đavid, cũng được Chúa hứa cho một dòng dõi trường tồn. Chính vì thế, một truyền thống mới nảy sinh trong Kinh Thánh Cựu Ước, liên kết vị ngôn sứ của lời hứa với người con nối dòng của Đavid, nhưng được hiểu theo vai trò chính trị. 

Chính vì thế, Chúa Giêsu đã đặt lại vấn đề, để các kinh sư có thể nhìn ra nguồn gốc đích thực của Đấng Kitô: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?” Để chứng minh nguồn gốc thần linh của mình, Chúa Giêsu đã trưng dẫn thánh vịnh 110 của vua Đavid, nói về Đấng Mêsia (Kitô) là Vua và Thượng tế: Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con”. Và Chúa lập luận: “Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được?”

Tuy nhiên, để lời Kinh Thánh được nên trọn, Chúa Giêsu vẫn sinh ra trong dòng dõi vua Đavid như gia phả của Ngài đã ghi lại.[4] Trong Phúc âm, cũng nhiều lần người ta gọi Ngài là con vua Đavid như người mù thành Giêrikhô,[5] như dân chúng thành Giêrusalem hò reo rước Chúa vào thành, nhưng Chúa Giêsu chưa bao giờ tự nhận cho mình danh hiệu ấy, để khỏi làm cho người ta hiểu sai về Người.

Chúng ta thật may mắn vì được thừa hưởng gia tài đức tin của bao thế hệ đi trước, được nhận biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta. Nhờ sự cộng tác của Đức Trinh Nữ rất thánh Maria, Người đã nhập thể làm người, để cùng sống với chúng ta và làm cho chúng ta nên con cái của Thiên Chúa.

Dù được làm mẹ của Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria vẫn ý thức và xác tín Người là Thiên Chúa của mình. Chính vì thế, Mẹ luôn dành cho Người sự tôn thờ như đối với Chúa Cha. Mẹ chiêm ngắm và suy niệm trong lòng những lời nói và hành động của Người để tìm biết ý Chúa. Khi hành động của Chúa trở nên quá khó hiểu, như khi Người tự ý ở lại Đền Thờ, Mẹ không lấy quyền làm mẹ để trách mắng, mà chỉ trình bày nỗi lo lắng đau khổ vì không hiểu được ý của Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?…” Rồi Mẹ lắng nghe sự mặc khải của Chúa: Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”[6]

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi xác tín Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là Đấng cứu độ tôi, để

  • Luôn lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, tìm kiếm thánh ý Chúa.
  • Khi gặp khó khăn đau khổ, tôi trình bày với Chúa và tiếp tục lắng nghe trong cầu nguyện.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin dẫn con vào mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, con của Mẹ, để mỗi ngày con được nhận biết và yêu mến Ngài hơn, theo Ngài sát hơn và nên giống Ngài hơn nữa. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/641623313367520

[1] X. Sách Đức Giêsu thành Nazareth. Lời giới thiệu.
[2] Đnl 18,18
[3] Ga 1,18
[4] X. Mt 1,1-16; Lc 3,23-38
[5] X. Mc 10,47-48; Mt 21,9
[6] Lc 2,48

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *