fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – LỄ THÁNH MÁC-TA

29.7.2020  – THÁNH NỮ MÁC-TA
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 10,38-42)
“Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu rong ruổi khắp các làng mạc để giảng dạy, nên không có nhà ở, không có chỗ nấu ăn. Có những người hảo tâm và quý mến Chúa đã mời Chúa và các tông đồ đến nhà họ dùng bữa và nghỉ ngơi để lấy sức đi tiếp.

Hôm nay Chúa đến làng Bêtania, có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà (c.38). Có lẽ nhà của bà cũng khá rộng rãi, rộng như cõi lòng của bà đối với Chúa Giêsu vậy. Vì chắc chắn khi đón rước Chúa, là đồng thời cũng phải có chỗ có phần cho ít là 12 người môn đệ của Chúa nữa. Vì thế, bà tất bật làm bữa.

Có lẽ chúng ta cũng khá quen với câu chuyện Tin Mừng này, với 3 cách đón tiếp Chúa của cả 3 chị em Mác-ta, Maria và Lazarô. Tuy nhiên, tùy theo bối cảnh và vị trí của từng người, để ta có thể chọn lấy cho mình một cách tiếp đón Chúa cho phù hợp.

Việc Lazarô ngồi tiếp chuyện với Chúa được xem là đương nhiên, vì việc bếp núc hầu như mặc định là việc của phụ nữ. Tuy nhiên, không ai có thể cấm phụ nữ không được ngồi nghe Chúa giảng. Chính vì thế, cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy, đến nỗi chẳng nghĩ gì đến việc bếp núc hậu cần.  

Cô Mác-ta làm việc một mình, bận rộn và bối rối. Đối với cô: chỉ có việc bếp núc và phục vụ của cô là quan trọng nhất. Cô không nhìn ra được sự quý giá mà Thầy Giêsu đem đến cho gia đình cô ngoài sự hiện diện của Ngài là chính Lời Ngài. Nếu ý thức được điều đó, hẳn cô đã vui mừng để cho Maria ngồi uống lấy từng Lời của Thầy, rồi sẽ chia sẻ lại cho cô sau đó cũng được. Cô chỉ thấy công việc của mình là hết sức quan trọng, nhưng hầu như không được ai chú ý, kể cả Thầy! Thế rồi, cô cảm thấy ganh tỵ với cô em Maria. Chính cô cống hiến tất cả tài khéo, sự đảm đang và thời giờ, sức lực cho mọi người, và cô cần được nhìn nhận, động viên và góp sức… Nghĩ sao làm vậy, cô mạnh dạn lên tiếng với Thầy: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”

Mác-ta quả là một người thẳng tính. Cô trách Thầy không quan tâm đến mình và công việc của mình. Cô còn chỉ cách cho Thầy phải hành xử thế nào cho hợp với ý của cô nữa chứ: Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Quả là thân tình lắm mới dám nói với Chúa như thế!

Cũng trong mối thân tình đó, Chúa ôn tồn chỉ cho cô điều quan trọng mà cô chưa nhìn ra: Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”

Hóa ra, tất cả những điều cô cho là quan trọng lại chẳng phải là việc cần thiết. Bữa cơm cô đang làm để phục vụ Chúa và các môn đệ của Chúa là tốt thật đấy, nhưng nếu không có, thì mọi người sẽ dùng tạm thứ khác cũng được. Tuy nhiên, nếu không đón nghe từng Lời quý báu của Chúa, thì sẽ thật là đáng tiếc, vì “nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”[1] Cô em Maria đã ý thức điều đó và đã tận dụng cơ hội để nghe Lời Chúa.

Mẹ Maria không chỉ dành cả cuộc đời để nghe Lời Chúa, Mẹ còn chiêm ngắm Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng, để Lời được lớn lên và trở thành máu thịt của chính Mẹ. Theo khía cạnh con người, Chúa Giêsu đã đón nhận sự sống nơi thân xác từ chính máu thịt của Mẹ, nhưng trong đức tin, chính Mẹ đón nhận sự sống thần linh từ Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, và Mẹ sống nhờ Người, với Người và trong Người.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi tận dụng những thời khắc rảnh rỗi trong ngày để đọc hoặc nghe Lời Chúa để suy gẫm và áp dụng trong cuộc sống.

Cầu nguyện với Mẹ:
Hát: Cùng Mẹ sống Lời Chúa.

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/cung-me-song-loi-chua-gia-an-hat-thanh-ca.mLzVJJPlaIzi.html

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/677378166458701)

[1] Mt 13,17

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *