fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

20.8.2020  – THỨ NĂM TUẦN XX TN
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 22,1-14)
“…mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!”


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Lời cuối ở mỗi thiệp mời: “sự hiện diện của quý vị là niềm vinh dự cho gia đình chúng tôi” cho thấy sự trân trọng của chủ nhà đối với khách được mời. Hơn nữa, nếu chủ tiệc là một người có địa vị, thì người được mời lại càng cảm thấy hãnh diện hơn. Việc từ chối lời mời hoặc không mặc trang phục xứng hợp sẽ bị xem là coi thường người đã mời mình.

Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn về “một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” để nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân Do thái, rằng họ là những vị khách “đã được mời” từ trước. Vị vua ấy là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tuyển chọn họ làm Dân Riêng, đã mời họ đón nhận Ơn Cứu Độ, tham dự vào sự sống và hạnh phúc Nước Trời. Thế nhưng, cũng như những khách đã được mời trong dụ ngôn, họ đã coi thường lời mời của Thiên Chúa.

Thiên Chúa vẫn nhẫn nại như vị vua trong dụ ngôn, sai các đầy tớ đi mời họ một lần nữa: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới” (cc.3-4). Thế nhưng họ vẫn không đếm xỉa tới, lại còn bắt và giết các đầy tớ của vua. Đó là hình ảnh các vị ngôn sứ trước kia được Chúa sai đến với Dân Người, để mời gọi Dân trở về với Chúa, nhưng đa số các ngôn sứ đều bị bách hại và giết chết.

Vì những khách được mời từ chối không chịu tham dự, nên vua cho mời hết tất cả mọi người, không phân biệt sang hèn, lớn nhỏ… Vì người Do thái từ chối đặc quyền đón nhận Tin Mừng, nên Tin Mừng được loan báo đến cho Dân Ngoại và tất cả những ai mở lòng đón nhận.

Dụ ngôn này lại được kết nối với một dụ ngôn khác cũng về tiệc cưới. Theo phong tục thời đó, chủ nhà để sẵn những áo đẹp, khách dự tiệc đến sẽ nhận áo, khoác áo và bước vào phòng tiệc. Chính vì thế mới có chuyện chủ nhà bắt lỗi khi khách không mặc y phục lễ cưới. Đó chính là đòi hỏi mà bất cứ ai khi đã chấp nhận tham dự vào đời sống của Giáo Hội, thì cũng buộc phải có một lối sống cho phù hợp.

Là những người được Chúa tuyển chọn và mời gọi tham dự vào bàn tiệc Nước Trời, chúng ta cần lắng nghe lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Anh em hãy mặc lấy lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại…”[1] Đó chính là chiếc áo mà người tín hữu luôn phải có nơi mình. Chắc hẳn vì không có chiếc áo ấy, nên có người đã bị trói chân tay, quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài” như một tên tội phạm.

Với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và đời sống khiêm nhường, đơn sơ, bác ái, Đức Maria là người luôn sẵn sàng với “y phục lễ cưới”, nên khi Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến gặp Mẹ cách bất ngờ, thì Mẹ vẫn luôn “đẹp lòng Thiên Chúa”. Mẹ mau mắn đón nhận lời mời gọi của Chúa và tham dự vào tiệc cưới vĩ đại của Con Chiên, bằng tất cả tâm hồn, thân xác vẹn sạch trinh trong không tỳ vết. Mẹ khiêm tốn chọn chỗ cuối như một “nữ tỳ hèn mọn” của Chúa, nhưng lại được Chúa nâng lên chỗ cao trọng nhất của bàn tiệc, với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương thiên quốc, trên cả chín phẩm thiên thần.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi giữ tâm hồn sạch tội, sống khiêm nhường và bác ái, để luôn sẵn sàng y phục xứng đáng được Chúa cho vào dự tiệc Nước Trời.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con luôn ý thức sự cao quý của bữa tiệc thần linh mà Chúa dọn sẵn cho con trên Nước Trời, nhất là tiệc Thánh Thể nơi mỗi thánh lễ, để con luôn dọn mình tham dự và rước Chúa Giêsu cách xứng hợp và sốt sắng. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/692723054924212)

[1] Col 3,12; x. Rm 13,14; Gal 3,37

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *