fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

24.11.2020 – LỄ CÁC THÁNH TỬ ÐẠO VIỆT NAM
Lc 9,23-26
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24).


Chiêm ngắm Mẹ sống Tin Mừng:
Bạn thân mến!!!

Ai mà chẳng sợ chết và chọn sống. Thế nhưng, có người đã dám nói rằng: Tôi chọn cái chết để được sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu rồi muôn đời bị tiêu diệt”.  Đó chính là thánh linh mục Đaminh Nguyễn Văn Xuyên (Đoàn), một trong 117 vị thánh Tử đạo Việt Nam.

Quả thật, các thánh Tử đạo đã có thể thoát khỏi sự tra tấn và cái chết đau đớn ở đời này nếu nghe lời vua quan mà chối đạo, bỏ Chúa. Thế nhưng, vì xác tín vào lời Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (c.24), các ngài đã dám liều mất mạng sống đời này vì Chúa, để được một sự sống đời đời cao quý hơn gấp bội.  

Chắc chắn ngoài Chúa Giêsu, không một ai dám tuyên bố như thế. Chỉ có Chúa Giêsu- Đấng Ban sự sống mới có thể ban lại sự sống cho những ai dám hy sinh chính mạng sống mình vì Ngài và vì Tin Mừng. Thánh Linh mục Giuse Du[1] đã chấp nhận hình khổ bá đao, tức là chịu cắt lần lượt một trăm miếng thịt cho đến chết; thầy giảng Tôma Toán[2] chịu tống ngục cho đến chết rũ tù, và có đến hơn 300.000 người Công giáo Việt Nam đã chấp nhận cái chết để trung thành với Đấng Ban Sự Sống.

117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc đủ mọi tầng lớp: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, Chúa người làm quan, làm lính hoặc thường dân, có người trí thức và cả người ít học. Các ngài thuộc đủ mọi lứa tuổi và mọi ngành nghề: lang y, thương gia, thợ may, thợ dệt, thợ mộc, có cả dân chài, nhưng đông đảo nhất vẫn là giới nông dân.[3] Có những người cả một đời sống thánh thiện đạo đức, cũng có người từng va vấp sai lầm.

Thế nhưng, điểm chung của các ngài là: khi đã xác tín vào tình yêu của Chúa và tin tưởng vào sự sống đời đời Chúa hứa ban, các ngài đã một lòng trung thành, noi gương Đức Kitô – vị tử đạo đầu tiên đã sống và chết vì Tin Mừng mà chính Người mang đến cho nhân loại. Đức Kitô đã chấp nhận đi trên con đường đau thương và thập giá, vì xác tín vào Thiên Chúa là Cha sẽ làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Quả thật, sau khi chết ba ngày, Người đã được khải hoàn Phục Sinh trong vinh quang. Từ cuộc Phục Sinh của Người, cái chết thể xác không còn là ngõ cụt nhưng chính là con đường dẫn vào một đời sống mới trong hạnh phúc đời đời.

Có một bà bán hàng ngoài chợ, khi vắng khách, bà thường đọc kinh nhưng lại bị bạn hàng chế nhạo là “đạo đức giả”. Bà buồn lắm nhưng vẫn cố gắng duy trì thói quen tốt lành ấy chỉ vì: “Sống mà không có Chúa, thì thà chết còn hơn!” Vâng, đó là một trong những hình thức tử đạo của ngày hôm nay.

Với Đức Maria, Thánh Bê-na-đô viện phụ nói rằng: “Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu… thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo… Mẹ là  vị tử đạo trong tâm hồn… Về phần xác, Con của Mẹ đã chết, còn Mẹ, Mẹ đã chẳng chết trong tâm hồn với Con sao? Chính tình thương đã khiến Chúa Kitô chịu thương khó, và… không có tình thương nào sánh nổi với tình thương đã khiến Đức Maria cùng chịu thương khó với Con của Người.[4]

Chính cái chết vì tình yêu đối với Chúa Kitô làm nên vị tử đạo. Như thế, chúng ta có thể tử đạo mỗi ngày cùng với Mẹ Maria, vì tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô.

Sống Tin Mừng với Mẹ:
Noi gương Mẹ, tôi:

  • Dám chấp nhận những thua thiệt, mất mát (trừ lương…) chứ không bỏ lễ ngày Chúa Nhật.
  • Can đảm làm dấu, đọc kinh, đeo Ảnh và Chuỗi bất chấp sự kỳ thị, cười chê.

Cầu nguyện với Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, xin phù giúp chúng con sống đời tử đạo từng ngày như Mẹ, để đời sống chúng con mỗi ngày là một hy vọng cho cuộc sống hôm nay và cho sự sống đời đời.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.


(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/766756857520831)

[1] http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN/INDEX.htm
[2] http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN/INDEX.htm
[3] X. https://sites.google.com/site/truyenthongtinmung/thanh-tdhvn/tu-lieu/chan-dung-cac-thanh-tu-dhao-viet-nam
[4] Bài đọc 2 giờ Kinh Sách, lễ Đức Mẹ sầu bi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *