fbpx

Tìm hiểu tín điều – ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Tìm hiểu tín điều
ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Theo dòng lịch sử, Giáo Hội đã từng bước khám phá vị thế của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và định tín bốn tín điều về Đức Maria. Hai tín điều đầu tiên, là Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh, đã được Giáo Hội tuyên bố ở các thế kỷ thứ V và VII).

  1. Các lạc thuyết liên quan đến Đức kitô ở ba thế kỷ đầu

Những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội cũng là thời kỳ xuất hiện những lạc thuyết liên quan đến bản tính Đức Kitô. Vì thế Giáo Hội ra sức bảo vệ chân lý nòng cốt của đức tin về Đức Kitô, Đấng cứu chuộc. Đức Maria thường được đề cập đến mỗi khi bàn đến một vấn đề nào về Đức Kitô.

Những lạc thuyết chính có thể tóm lại vào hai nhóm :

  1. Những người không nhìn nhận Đức Kitô là người thật. Do ảnh hưởng của thuyết Plato hy lạp, cho rằng thế giới vật chất như ta thấy không phải là thế giới hiện thực nhưng chỉ là một hình ảnh hay bản sao của thế giới hiện thực và linh hồn cần phải thoát ra để trở về thế giới thần linh. Thuyết Plato khinh rẻ vật chất và thân xác, vì thế  người ta phủ nhận việc Thiên Chúa mặc lấy xác phàm loài  người.

Ngược lại, các nhóm xuất phát từ do thái giáo thì lại phủ nhận thần tính của Đức Giêsu. Vì thế họ coi Đức Maria chỉ là mẹ Đức Giêsu  chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa.

  • Phái Ariô : thuyết do linh mục Ariô (256-336) ở Alexandria cho rằng Đức Giêsu Nazaret chỉ là một thụ tạo, được dựng nên đầu tiên trước mọi thụ tạo nhờ Người mà Thiên Chúa tạo thành vạn vật. Ariô phủ nhận thần tính của Đức Giêsu. Ông bị kết án tại công đồng Nicêa năm 325 và công đồng Constantinôpôli năm 381.

Đối lại các lạc thuyết này, Giáo Hội Công giáo khẳng định rằng: Đức Maria vừa là mẹ Đức Kitô vừa đồng trinh, như ta thấy trong các tín biểu : « Đức Giêsu sinh bởi Đức Maria », « Đức Giêsu  nhập thể trong lòng Đức Maria …được thụ thai trong lòng mẹ đồng trinh »

  1. Nền tảng Kinh thánh

Chúng ta không gặp thấy tước hiệu « Mẹ Thiên Chúa » trong Tân Ước. Tuy nhiên, nhiều lần Tân Ước nói rằng Đức Maria là mẹ Đức Giêsu  (Mc 6, 1-6 ; Ga 2, 1-12 ; 19, 25 ; Cv 1, 14), và đàng khác, Đức Giêsu  là Con Thiên Chúa. Từ hai tiền đề ấy,  người ta suy diễn ra kết luận Đức Maria là thân mẫu của Con Thiên Chúa.

Chúng ta cũng đọc thấy chứng từ kỳ cựu nhất của Tân Ước (k. 56-57) nói về Đức Maria, trong thư Galát 4, 4 : « Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một  người phụ nữ,… ». Sang đến các sách Tin Mừng Matthêu và Luca, thì ta biết rõ hơn Đức Maria là mẹ Đức Giêsu, (Mt 1, 21). Theo Lc 1, 35, sứ thần Gabriel cho biết con trẻ sinh ra bởi Đức Maria được gọi là « Con Thiên Chúa ».

Lịch sử tín điều

  1. Thời các giáo phụ

Trong các thế kỷ đầu, nhiều giáo phụ đã phải chống lại nhóm theo «thuyết ảo thân » xem Chúa không phải là  người thật, không có thân xác thật. Vì thế các ngài phải khẳng định Đức Maria là mẹ thật của Đức Giêsu. Ngược lại, những nhóm phủ nhận thần tính của Đức Giêsu thì các giáo phụ phải bảo vệ chân lý Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, việc tìm một danh xưng chính xác không phải dễ : làm thế nào để  người ngoại giáo không hiểu lầm là kitô giáo cũng tin vào chuyện các thần linh sinh con đẻ cái như các thần thoại trong đa thần giáo hy lạp và Rôma. Vì lẽ đó, nhiều giáo phụ và nhà thần học ngại dùng tước hiệu « Mẹ Thiên Chúa » hay « Thiên mẫu ».

  1. Tước hiệu « Theotokos » (Đấng sinh ra Thiên Chúa)

Chứng từ chắc chắn xác thực đầu tiên về tước hiệu « Theotokos » là của Alexandre thành Alexandria năm 325 : « Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã thực sự mang một thân xác, chứ không phải chỉ có vẻ bên ngài, lấy từ Đức Maria Theotokos. »

Trong tiếng hy lạp, từ « Theotokos » có nghĩa là  « người sinh đẻ ra Thiên Chúa ».

Thuật ngữ này xem ra nghịch thường, vì liên kết hai yếu tố « thần linh » và « động vật » trong việc nhập thể. Đó là Thiên Chúa và việc sinh đẻ. Điều này chướng tai người hy lạp vì, đối với họ, Thiên Chúa là Đấng bất biến, bất diệt…Mà nói Đức Maria sinh hạ Thiên Chúa, là đem Thiên Chúa vào việc sinh đẻ, nên tuyên xưng « Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa » là nói lời phạm thượng.

  1. Lời kinh cổ xưa nhất dâng kính Mẹ Thiên Chúa « Theotokos »

Người ta đã tìm thấy một bản kinh dâng kính Đức Trinh Nữ, bằng tiếng hy lạp, lời kinh mà chúng ta quen đọc: kinh « Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời »

Từ quan trọng trong kinh này là : « Theotóke » : có nghĩa là «lạy Thiên Mẫu » hay «  lạy Mẹ Thiên Chúa ». Rất có thể kinh này đã có từ giữa thế kỷ 3, tức là hai thế kỷ trước khi Giáo Hội tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa tại công đồng Êphêsô năm 431.  

Có lẽ đây là bản văn lâu đời nhất trong đó Đức Trinh Nữ được kêu cầu với tước hiệu « Theotokos » trong bối cảnh một lời cầu khẩn.

  1. Thượng phụ Nestoriô (k. 380-451), làm thượng phụ giáo chủ Constantinôpôli (428-431).
  2. Nestoriô xác nhận Đức Giêsu có hai bản tính : thần tính và nhân tính. Nhưng theo ông, mỗi bản tính phải có một ngôi vị. Vậy nếu Đức Kitô có hai bản tính, thì trong Người phải có hai ngôi vị.
  3. Hai bản tính này phân biệt với nhau rõ rệt. Vì thế, Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa, nhưng chỉ là  « người mang Thiên Chúa ». Mầu nhiệm nhập thể không phải là việc Thiên Chúa hóa thành người, không trở nên xác phàm mà chỉ nhận lấy xác phàm ;  Ngôi Lời đến cư ngụ trong Đức Giêsu, như Thiên Chúa ngự trong đền thờ.
  4. Những đặc tính nhân loại chỉ có thể gán cho Đức Giêsu (sinh ra, đau khổ, chết,..) ; các đặc tính thần linh chỉ được gán cho Ngôi Lời (như sáng tạo, toàn năng, vĩnh cửu…). Do đó, Nestoriô khẳng định rằng cái chết của Đức Giêsu  trên thập giá là một việc xảy ra cho con người Giêsu, chứ không ảnh hưởng gì tới Ngôi Lời hết.
  5. Con của Đức Maria chỉ là một con người, khác hẳn với Con Thiên Chúa. Căn cứ vào suy luận này, Nestoriô cấm không cho gọi Đức Maria là « Mẹ Thiên Chúa » (Theotokos). Đức Maria chỉ là kẻ sinh ra con người Giêsu, nên chỉ có thể được gọi là « Mẹ Đức Kitô » (Christotokos).
  6. Trường phái Alexandria, bên Ai Cập : Giáo Hội Alexandria chịu ảnh hưởng triết học hy lạp có khuynh hướng đối lập những khía cạnh vật chất, được coi là suy đồi, với những khía cạnh tâm linh ; từ đó phát sinh một thái độ ngần ngại không muốn nhìn nhận nơi Đức Kitô có hai bản tính, thần tính và nhân tính. Khuynh hướng này sẽ dần dần đưa Giáo Hội Alexandria ngả theo lạc giáo «thuyết nhất tính » chủ trương nơi Đức Kitô chỉ có một bản tính.
  7. Phản ứng trước lập trường của Nestoriô

Thánh Cyrillô thành Alexandria lên tiếng chống đối tư tưởng Nestoriô. Ngài báo cáo cho Đức Giáo Hoàng Cêlestinô I (422-432) về sự kiện Nestoriô. Năm 430, ĐGH cho họp công đồng tại Rôma để lên án Nestoriô. Tháng 11 cùng năm, Cyrillô họp công nghị tại Alexandria, một lần nữa kết án Nestoriô. Nestoriô yêu cầu hoàng đế triệu tập một công đồng chung. Ngày 19.11.430, Hoàng đế Théodose II (408-450) triệu tâp công đồng chung họp tại Êphêsô vào ngày lễ Hiện Xuống năm 431.

  1. Công đồng Êphêsô (431)

Công đồng Êphêsô gồm gần 200 giám mục tham dự, đa phần từ phương Đông, với đại diện của Đức Giáo Hoàng Celestinô I, họp từ tháng 6 đến cuối tháng 8 năm 431.

Nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ và trình bày minh bạch của Cyrillô, thượng phụ tại Alexandria, công đồng Ephêsô đã dứt khoát lên án lạc thuyết của Nestoriô. Công đồng khẳng định :

  1. Ngôi Lời, tuy không bị biến đổi, đã làm người. Có hai lần được sinh ra : lần đầu từ muôn thuở do Thiên Chúa, theo thần tính ; lần thứ hai do Đức Trinh Nữ theo nhân tính.
  2. Có hai bản tính trong Đức Giêsu : thần tính và nhân tính. Nhân tính của Đức Kitô, gồm cả hồn lẫn xác, không bị biến đổi.
  3. Ngôi Lời đã kết hợp với một thân xác và một linh hồn con người trong một ngôi vị duy nhất là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa : Hai bản tính vẫn khác biệt nhau nhưng được kết hợp lạ lùng trong một ngôi vị duy nhất. Việc đó được gọi là « ngôi hiệp »
  4. Do đó, không được phép nói rằng Đức Maria đã sinh ra một con người và sau đó Ngôi Lời Thiên Chúa đáp xuống con người ấy như ngự trong đền thờ, nhưng phải nói rằng Ngôi Lời đã kết hợp với xác thể trong lòng Đức Maria, do đó Đức Maria đã sinh ra Ngôi Lời nhập thể và đáng được gọi là Theotokos (người sinh ra Thiên Chúa).

Chúng ta cũng phải nhận rằng công thức « Mẹ Thiên Chúa » mang tính cách hàm hồ, vì trong Kinh Thánh, hầu hết từ « Thiên Chúa » đều chỉ Chúa Cha. Vì vậy, nói rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa có thể hiểu như là mẹ Chúa Cha (một điều không thể nào chấp nhận được). Nếu muốn phát biểu chính xác hơn thì phải nói « Đức Maria là mẹ của Con Thiên Chúa » hay « mẹ của Ngôi Lời nhập thể ». Do đó, ta cần lưu ý mấy điểm sau đây :

  1. Đức Maria không phải là mẹ của thần tính (do đó không phải là mẹ của cả Ba Ngôi Thiên Chúa).
  2. Nhân tính của Đức Kitô đã kết hợp với thần tính thành một ngôi vị duy nhất là Ngôi Lời Thiên Chúa. 
  3. Đức Giêsu Kitô bắt đầu hiện hữu kể từ khi Ngôi Lời kết hợp với một con người được thụ thai trong lòng Đức Maria ; tuy nhiên Ngôi Lời đã hiện hữu từ muôn thuở; do đó, Đức Maria, tuy là mẹ Đức Kitô, nhưng vẫn là thụ tạo của Ngôi Lời.

BÀI HỌC CỤ THỂ

  1. Lòng tôn sùng và kính mến Đức Maria

 Theo các giáo phụ, ngài đã cưu mang Con Thiên Chúa  trong tâm hồn trước khi cưu mang Người trong thể xác. Thực vậy, Mẹ đã được Thiên Chúa mời gọi và Mẹ đã có thể hoàn toàn tự do ưng thuận hay từ chối lời đề nghị của Chúa. Mẹ đã dấn thân vâng theo ý định của Trời Cao và việc làm mẹ của Đức Maria là hoàn toàn tự nguyện. Hơn nữa Mẹ không chỉ dâng cho Thiên Chúa « chất liệu » rất tinh tuyền của thân xác mình để hình thành thân xác của Con Thiên Chúa , Mẹ còn đảm nhận trách nhiệm cưu mang và sinh hạ Đấng kế vị trên ngai vua Đavit, là chính Con Thiên Chúa và cũng là « người Tôi thớ đau khổ » sẽ là giá cứu chuộc muôn dân.

Việc Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa nâng Mẹ lên trên hết mọi thụ tạo. Hội Thánh tôn kính đặc ân vô song được ban cho Đức Maria. Phẩm giá của Mẹ Con Thiên Chúa thật lớn lao chừng nào! Sự tôn dương Đức Trinh Nữ đem đến cho Mẹ một uy quyền phải cảm hứng cho chúng ta một niềm tin tưởng và cậy trông vô bờ bến vào Đấng mà Hội Thánh gọi là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Kitô, Mẹ của ân sủng, Mẹ rất tinh tuyền, rất trinh trong, rất đáng yêu mến, Mẹ tuyệt vời, Mẹ Đấng Tạo Hóa, Mẹ Đấng Cứu Thế.

       Khi dạy chúng ta tôn kính Đức rất Thánh Trinh Nữ như thế, Hội Thánh muốn khơi lên trong tâm hồn chúng ta một tình yêu con thảo đối với Đấng đã trở nên Mẹ riêng của chúng ta nhờ ân sủng. Đức Maria đã sinh ra hết thảy chúng ta dưới chân thập giá. Việc chúng ta được nhận làm đàn em của Chúa Giêsu Kitô phải khơi dậy trong lòng chúng ta một niềm tin tưởng vô bờ bến đối với Đức Mẹ là Đấng đã nhận chúng ta làm con trên đồi Can-vê, khi, trước khi tắt thở, Đấng Cứu Thế đã giao phó chúng ta cho Đức Mẹ, nơi bản thân thánh Gioan, như những người con mà Chúa muốn Mẹ nhận làm con, khi Người nói với Mẹ: Thưa Bà, này là con Bà”. Những lời đó là di chúc thiêng liêng của Chúa Kitô.

  1. Noi theo gương Mẹ Thiên Chúa

– Làm sao noi gương Đức Maria trong việc làm Mẹ Thiên Chúa? Theo nhiều giáo phụ, điều này không những là có thể mà còn chắc chắn nữa. Các ngài nói: “Nếu Chúa Kitô sinh ra một lần bởi Đức Maria tại Bê lem mà không sinh ra cả trong linh hồn tôi nhờ đức tin, thì ích gì cho tôi?”. Hiển nhiên chúng ta không thể noi theo Đức Maria sinh hạ Chúa Kitô về mặt thể lý, nhưng nhờ đức tin, trên bình diện thiêng liêng. Chính Chúa Kitô đã tuyên bố: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21). Thánh Ambrôsiô viết: “Mỗi tâm hồn tin đều thụ thai và sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa, khi đón nhận Lời Thiên Chúa”.  

– Vậy Chúa Giêsu dạy chúng ta trở nên Mẹ của Người qua việc lắng nghe Lời và đem ra thực hành. Đức Maria đã trở thành mẹ bằng cách thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Có hai cách làm mẹ bất toàn hay cắt đứt việc làm mẹ. Một cách đã xa xưa, đó là hư thai, do những nguyên nhân tự nhiên (sảy thai) hay do tội của con người (phá thai). Ngày nay có trường hợp ngược lại, sinh con mà không thụ thai người con đó: thụ thai trong ống nghiệm rồi cấy vào tử cung người mẹ hay, tệ hơn nữa, nhờ một phụ nữ khác mang thai hộ. Buồn thay, hai tình huống này lại gặp thấy cả trên bình diện thiêng liêng. Thụ thai mà không sinh hạ , đó là nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành, chẳng khác gì làm hư thai hết lần này đến lần khác, quyết tâm hoán cải rồi sau đó quên bẵng hay bỏ qua. Tắt một lời, đó là kẻ có đức tin mà không có việc làm. Ngược lại, sinh ra mà không thụ thai là kẻ làm được nhiều việc, xem ra tốt lành, nhưng không xuất phát từ tâm hồn yêu mến Chúa và từ một ý hướng ngay thẳng, mà do thói quen, giả hình, tìm hư vinh, hoặc tìm thỏa mãn do hoạt động mang lại. Nói chung, đó là kẻ có việc làm nhưng không có đức tin.

Chúng ta được nên công chính nhờ đức tin, nhưng đức tin thúc đẩy chúng ta làm việc lành; tuy nhiên những việc chúng ta làm chỉ tốt lành nếu xuất phát từ tâm hồn, với ý hướng ngay thẳng, được thực hiện trong đức tin và vì lòng yêu mến Chúa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *