03.02.2021 – THỨ TƯ TUẦN IV TN
Mc 6,1-6
“Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6,6)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Gia đình ông Cố trong xứ tôi đang chuẩn bị mừng lễ tạ ơn Tân Linh Mục cho con. Cả giáo xứ cứ là tấp nập, xúm xít chúc mừng nhà ông phước đức. Ông Cố thì hết sức niềm nở, tuy nhiên, Cha mới thì lại có vẻ ngần ngại vì tiệc tùng long trọng quá! Một phần vì tinh thần khó nghèo chung của cả giáo phận, nhưng sâu xa hơn, Cha biết rằng “môn đệ thì không hơn Thầy!” Bởi lẽ Chúa Giêsu ngày xưa đâu có được may mắn như vậy!
Thật thế, sau những ngày rao giảng tại Galilê, Đức Giêsu trở về quê quán của mình, hẳn là với nhiều tình cảm gắn bó. Ngày Sa-bát, Ngài đến Hội đường để nghe và chia sẻ Lời Chúa như mọi người. Ngài đứng lên đọc Sách Thánh như bất cứ người đàn ông Do Thái nào cũng có thể làm. Nhưng sau đó, Ngài bắt đầu giảng dạy, đó là điều chỉ những thầy Rabbi, những người xuất thân từ dòng dõi Rabbi và được đào tạo trường lớp hẳn hoi mới làm được. Chính vì làm điều bất thường này mà Đức Giêsu bị nghi ngờ và thắc mắc về uy tín cũng như cương vị của mình. Thật rõ: nghi ngờ phát xuất từ sự làm khác với điều đã được xem là tiêu chuẩn. Đức Giêsu đã đi ra ngoài tiêu chuẩn hay cái khung có sẵn của những người đồng hương. Sự nghi ngờ của dân chúng cản trở Đức Giêsu không làm được những phép lạ mà lòng nhân từ thương xót của Ngài muốn thực hiện cho dân. Thật đáng tiếc! Họ đã đánh mất cơ hội đón nhận “Rượu Mới” của Ngài!
Chúng ta có thể nhìn thấy bản thân mình trong những vai diễn của vở kịch cuộc sống này. Đôi khi chúng ta ở trong vai gieo rắc nghi ngờ. Chúng ta lấp ló ở những góc tối nào đó để tạo ra những lời đồn đoán hay chất vấn hầu gây xáo trộn trong tập thể, làm cộng đồng bị phân tán khỏi điều chính yếu mà đáng ra họ phải tập trung kiếm tìm và đeo đuổi, chẳng hạn như tình hiệp nhất, lòng bác ái, sự trung thành với đức tin, v.v. Đôi khi chúng ta là nạn nhân của sự dòm ngó và nghi ngờ đến độ chúng ta không thể có không gian để bộc lộ tiềm năng, tố chất tốt và nhiệt huyết của mình. Có đôi khi và ở vài môi trường nào đó, việc chúng ta thực hành niềm tin Kitô giáo của mình cũng có thể trở thành một “phá cách” so với tiêu chuẩn của đám đông. Ước gì sự phá cách của chúng ta khơi gợi lên những thắc mắc về động lực sống yêu thương, tôn trọng và vì người khác, những câu hỏi hiếu kỳ và mời gọi người khác tìm hiểu về Thiên Chúa tốt lành.
Chiêm ngắm Mẹ Maria tại tiệc cưới ở Cana, chúng ta cũng thấy Mẹ đã không yên vị nơi xã hội Do Thái dành cho một người phụ nữ; Mẹ đã can thiệp để đôi tân hôn có được một tiệc mừng hoàn hảo[1]. Mẹ không ngại hay đúng hơn không sợ dấn thân làm việc bác ái. Mẹ cũng mời gọi các gia nhân của tiệc cưới hôm đó dấn thân mang lại niềm vui cho người khác. Bởi lẽ đối với Mẹ, đức ái luôn là điều được đặt lên trên tất cả, dù phải hy sinh hay gặp khó khăn trở ngại, Mẹ vẫn can đảm thực hiện chỉ với mục đích là làm vui lòng Chúa và đem lại hạnh phúc cho tha nhân.
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Nhìn vào gương sống của Mẹ, chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh và sự khích lệ để dám làm khác đi điều bình thường. Hôm nay, tôi phản tỉnh về một hành động tốt hay tích cực mà lâu nay tôi vẫn tránh làm giữa đám đông vì e ngại mình khác người, chẳng hạn làm Dấu Thánh Giá trước bữa ăn, nhặt cành cây gai, cái đinh trên đường,… để tạ ơn Chúa về đức tin Công Giáo của mình và tránh nguy hiểm cho người khác.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con có tấm lòng cởi mở như Mẹ, để sẵn sàng đón nhận những điều bất thường và bất ngờ xảy đến với chúng con trong cuộc sống, vì có thể qua những biến cố ấy, Thiên Chúa muốn làm những phép lạ và tỏ hiện thánh ý của Ngài cho chúng con. Amen.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/madala.maria.9/posts/811005279762655)
[1] Ga 2,1-12