fbpx

CÙNG MẸ SỐNG MÙA CHAY THÁNH – CHIÊM NGẮM ĐỨC KITÔ BỊ TỔN THƯƠNG

“Biểu tượng này nói lên tiếng than khóc đau đớn của cuộc tử nạn thứ hai của Ta trong anh chị em Ta. Hãy để Ta bị hư hại! Hãy hôn Ta trong tình trạng hư hại!”

[1]Khoảng 30 năm trước, tình cờ tôi đọc được một cuốn sách có tên là “Chúa Kitô Bị Tổn Thương Của Tôi” của tu sĩ Ramón Cué, Dòng Tên, người Tây Ban Nha. Trên bìa cuốn sách có hình một cây Thánh giá bị gãy. Chúa Kitô bị thiếu một chân, thiếu cánh tay phải và các ngón tay của bàn tay trái. Ngài không có khuôn mặt, thậm chí cũng không có cây Thánh giá đúng nghĩa. Quyển “Đức Kitô Bị Tổn Thương Của Tôi” kể về một linh mục yêu thích tác phẩm nghệ thuật. Một ngày nọ, khi đến thăm một cửa hàng đồ cổ, trong số rất nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh ảnh và các tác phẩm nghệ thuật khác, một tác phẩm điêu khắc lôi cuốn sự chú ý của cha ngay lập tức: đó là cây Thánh giá bị gãy này. Đây là tác phẩm của một nghệ sĩ nổi tiếng, và vẫn có giá trị thị trường mặc dù bị hư hại. 

Nó thu hút đến độ vị Linh Mục đó đã quyết định mua và mang đi tu sửa như vẻ đẹp lúc đầu. Người thợ sửa tượng nhận ra là phải tốn nhiều công sức để sửa chữa và tốn kém một số tiền lớn. Vị Linh mục không thể trả một giá cao như thế, vì thế Cha quyết định mang tượng Chúa Kitô bị gãy trở về nhà. Về nhà, nhìn tượng Chúa Giêsu bị gãy trong phòng mình, cha cảm thấy bất an đến độ tức giận.

Cha lớn tiếng hỏi: “Ai đã làm điều đó cho Ngài? Ai có thể tách Ngài ra khỏi thập giá một cách tàn bạo như vậy? Ai có thể làm biến dạng khuôn mặt của Ngài cách khủng khiếp như thế?

Bất ngờ, một giọng nói sắc bén lạ lùng vang lên: “Hãy im lặng! Con đang hỏi quá nhiều câu hỏi”.

Giọng nói sắc bén ấy và hình tượng Chúa Giêsu bị gãy khiến cho Cha bất an. Vẫn còn bất ngờ sau khi nghe Chúa nói, cha muốn làm cho Chúa Kitô dễ chịu hơn, cha nói với giọng run rẩy: “Lạy Chúa, con có một ý tưởng mà Chúa sẽ thích, con sẽ tìm cách tu sửa tượng Chúa lại. Con không muốn thấy Chúa bị gãy như vậy. Chúa sẽ thấy (tượng) Chúa đẹp biết bao. Chúa biết là Chúa xứng đáng mọi thứ. Chúa sẽ có một đôi chân mới, một cánh tay mới, những ngón tay mới, một cây Thánh giá mới, và trên hết, Chúa sẽ có một khuôn mặt mới.’’

Một lần nữa, Chúa Kitô mạnh mẽ nói: “Con làm Ta thất vọng. Con nói quá nhiều. Ta cấm con không được tu sửa Ta lại!”

Ngạc nhiên trước khẳng định mạnh mẽ của Đức Kitô, Vị Linh mục kể lể: “Lạy Chúa, Chúa không hiểu; đó sẽ là nỗi đau liên tục cho con khi nhìn thấy Chúa bị gãy nát và bị cắt xẻo. Chúa không hiểu Chúa làm cho con đau lòng sao?”

Chúa trả lời: “Đó mới chính là điều ta muốn. Đừng tu sửa lại. Khi con nhìn thấy Ta cách này, hãy để ta xem liệu con có đau lòng khi nhìn thấy anh chị em Ta đang đau khổ không. Hãy để ta xem việc Ta bị gãy nát và xâu xé có thể là biểu tượng của nỗi đau của kẻ khác không, biểu tượng sẽ nói lên tiếng than khóc đau đớn của cuộc tử nạn thứ hai của Ta trong anh chị em Ta. Hãy để Ta bị hư hại! Hãy hôn Ta trong tình trạng hư hại!”  

Vị Linh mục suy nghĩ và tìm cách  ghép một tượng Chúa Kitô không có Thánh giá vào một Thánh giá và như thế tượng Chúa bị gãy sẽ được đầy đủ. Đức Kitô bị gãy đặt lên trên Thánh giá của chúng ta, và chúng ta sẽ cùng nhau vác Thánh giá.

Vẫn không yên tâm, vị Linh mục tiếp tục cuộc đối thoại căng thẳng của mình với Đức Kitô: “Con muốn làm lại bàn tay bị mất của Chúa.”

Chúa đáp lại: “Ta không muốn có một cánh tay bằng gỗ, Ta muốn một cánh tay thật bằng xương bằng thịt. Ta muốn con trở thành bàn tay mà Ta đang thiếu. Chính con!”

“Lạy Chúa”, vị Linh mục kêu lên: “Chúa chỉ có một chân. Thậm chí Chúa không thể đi bộ một mình. Chúa cần sự giúp đỡ.” Đức Kitô đáp lại: “Ta cần phải làm việc như ở Nadarét.” Vị Linh mục nói: “Nếu Chúa muốn, con sẽ đi tìm việc làm với Chúa. Tuy nhiên con báo cho Chúa biết là trong tình trạng hiện tại của Chúa, Chúa sẽ không bao giờ tìm được việc làm, trừ khi Chúa tự giới thiệu Chúa chính là Đấng Kitô.”

Đức Kitô đã cấm vị Linh mục giới thiệu Người là Đấng Kitô. Họ cùng nhau đến thăm nhiều cửa hàng và cơ sở kinh doanh, nhưng không ai mời Chúa làm việc. Đức Kitô nói với một giọng nặng nề: “Làm thế nào người ta có thể nói họ yêu mến Chúa Kitô, nhưng cũng cùng một trái tim ấy, họ lại khinh thường những người tìm kiếm một công việc lương thiện? Ta chính là họ và họ chính là Ta.’’ 

Vị Linh mục than thở: “Thật khó cho tôi để yêu Chúa Kitô không có khuôn  mặt!” Cha đã dành nhiều giờ cố gắng tìm kiếm một khuôn mặt đẹp đẽ phù hợp cho tượng Đức Kitô bị gãy nát của mình để trấn an sự áy náy trong lòng, nhưng Đức Kitô một lần nữa nói với giọng mạnh mẽ: “Ta vẫn muốn bị hỏng như thế này, không có khuôn mặt. Tại sao con muốn khôi phục lại cho Ta, cho con hoặc cho người khác? Nhìn thấy Ta trong tình trạng sa sút như thế này khiến con không vui à?” Đức Kitô nói nhẹ nhàng hơn: “Con hãy chấp nhận Ta như thế. Chấp nhận Ta tan nát, chấp nhận Ta không còn mặt mũi.” 

Đức Kitô tiếp tục: “Con có tấm ảnh nào của người mà con không thích hoặc kẻ thù của con không? Hãy đặt khuôn mặt của người đó lên mặt Ta, đặt khuôn mặt của tất cả những người bị bỏ rơi, bị từ chối, những người tội nghiệp nhất lên trên khuôn mặt của Ta. Con hiểu không? Ta đã hy sinh cuộc sống của mình cho họ. Trên mặt Ta có tất cả những khuôn mặt của họ. Con hiểu không?” 

Sau những cuộc trò chuyện dài với Đức Kitô, cuối cùng, vị Linh mục đã hiểu được sứ điệp của Đức Kitô, và nói bằng một giọng nhẹ nhàng đầy khao khát: “Lạy Chúa, con xin chấp nhận lời mời của Người, nhưng xin hãy giúp con! Xin giúp con!”

Tượng Chúa Kitô bị gãy nát trở thành một dấu hiệu rõ ràng trước mắt chúng ta, không ngừng chất vấn chúng ta, và kêu gọi chúng ta hoán cải. Người mời gọi chúng ta đối thoại liên tục với Người ở đâybây giờ, cũng như trong các mối tương quan của chúng ta. Tượng Đấng Kitô bị gãy giúp đưa chúng ta đến với Người, với thực tại con người chúng ta, cũng như với thực tại của nhân loại. 

Đức Kitô luôn sẵn sàng lắng nghe cũng như gợi ý. Người tiếp tục thách thức chúng ta, nhưng một cách nhẹ nhàng và với lòng nhân từ vô biên, để trả lời những câu hỏi như:

  • Tại sao con nghĩ người ta đã làm cho gương mặt Ta biến dạng đến thế?
  • Có phải tượng Chúa Kitô bị gãy nát làm cho con thấy khó chịu không?
  • Những con người bị tổn thương có làm cho con khó chịu không?
  • Điều gì có thể khiến người ta thay đổi thái độ đối với những người bị coi là biến dạng?
  • Con thấy mình đang ở đâu đối với thực tại này?

Chính cuộc đối thoại liên tục của thánh Vinh Sơn với Chúa Giêsu đã dẫn đến câu trả lời và lời khuyên của ngài:

“Lạy Chúa, thật đẹp biết bao khi nhìn thấy người nghèo khổ, nếu chúng ta nhìn họ trong Thiên Chúa, và với lòng kính trọng mà Đức Kitô đã dành cho họ! Nhưng nếu chúng ta nhìn họ theo tình cảm xác thịt và tinh thần thế tục thì họ có dáng vẻ đáng khinh bỉ.”[2]  

“…Đức Kitô đã chết vì chúng ta, điều đó không đủ để quý trọng một người sao? Đức Kitô đã bày tỏ sự tôn trọng đối với chúng ta, đến nỗi Người muốn chết vì chúng ta. Khi làm như vậy, có vẻ như Người đánh giá cao chúng ta hơn Máu châu báu của Người, mà Người đã đổ ra để cứu chuộc chúng ta, như thể Người đang nói rằng Người không coi trọng Máu huyết của Người bằng tất cả những người đã được tiền định…”[3] 

Hình ảnh Chúa Kitô bị gãy nát, dù ở trước mặt tôi hay trong suy nghĩ của tôi, mời gọi tôi đối thoại thực sự. Ước gì Mùa Chay này giúp chúng ta đào sâu hơn hoặc bắt đầu cuộc trò chuyện với Chúa Kitô bị gãy. Chắc chắn cuộc đối thoại ấy sẽ làm cho chúng ta không sống thờ ơ, dửng dưng với Ngài. 

Hãy chiêm ngắm Mẹ Maria, đồng hành với Chúa từng bước trên đường thánh giá… Mẹ cảm nhận sức nặng của cây gỗ đè trên vai Chúa, Mẹ đau với nỗi đau của từng làn roi quất vào da thịt Chúa. Mẹ thấu cảm sự nhức nhối của từng mũi gai xuyên vào đầu Chúa. Mẹ chiêm ngắm khuôn mặt thanh tú và thân thể cường tráng trước kia của Con, nay thì bầm giập rách nát chẳng còn hình tượng là một con người… Lòng Mẹ tan nát theo Con…

Cùng bước với Mẹ trong Mùa Chay, Mẹ sẽ dạy chúng ta cách chiêm ngắm và cảm thấy nỗi đau của Chúa Giêsu khi xưa vẫn tiếp tục trên những gương mặt đau khổ của nhân loại hôm nay, nơi những con người tật nguyền, đau yếu nơi thân xác, và cả những con người nghiện ngập, tơi tả trong tâm hồn…


[1] Trích đoạn “Thư mùa Chay 2021” của Cha Tomaz Mavric, Bề trên tổng quyền Tu Hội Truyền Giáo và Nữ Tử Bác Ái.

[2] Coste XI, 32; BNC 19 “Về tinh thần đức tin”.

[3] Coste X, 491; BNC 96, “Thân tình, kính trọng, tình bạn riêng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *