fbpx

ĐẠI LỄ ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI – 15/08/2021

Lạy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời,
Chúng con chạy đến dưới sự che chở của Mẹ.
Xin chớ chê bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, nhưng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ.
Lạy Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh và đầy ơn phúc.

Do đại dịch covid-19, khác với mọi năm, năm nay chúng ta mừng đại lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời một cách âm thầm, không có thánh lễ trọng thể như thường khi. Sự kiện đáng buồn này lại là cơ hội tốt để mỗi người chúng ta dành thời gian nhiều hơn cho việc tìm hiểu cặn kẽ hơn về mầu nhiệm cao trọng này trong tất cả các mầu nhiệm liên quan đến đời sống và vận mệnh của người Mẹ yêu quí của chúng ta trên thiên quốc.

 Lịch sử

Ngay từ các thế kỷ đầu của Giáo Hội, người ta đã tin rằng cuộc đời thánh thiện của Đức Mẹ đã kết thúc một cách rất tốt đẹp.

Năm 377, thánh Êpiphaniô, giám mục thành Salamine, đảo Chypre, là người đầu tiên nêu vấn đề kết cuộc định mệnh trần thế của Đức Maria. Ngài thú nhận đã không nghe nói đến một ngôi mộ của Đức Maria tại Giêrusalem hay về cái chết của Đức Maria tại đây. Ngài không biết Đức Maria đã có chết hay không. Ngài hiểu rằng kết cuộc đời Đức Maria phải xứng hợp với Mẹ và thoáng thấy rằng điều này đã phải bao hàm một sự kỳ diệu nào đó. Nhưng vì thiếu dữ liệu, ngài thích bắt chước sự im lặng của Sách Thánh.

Phụng vụ mừng kính sinh nhật trên trời của Đức Maria, ngày 15/8, có lẽ ngay từ thế kỷ V tại Giêrusalem. Các ngụy thư đua nhau thuật lại cái chết của Đức Maria, lễ an táng, định mệnh phi thường của thân xác và linh hồn ngài trong những miền thượng giới.  Những người khác thì đi theo con đường đúng đắn hơn, gạt bỏ những chuyện hoang đường huyền hoặc.

Nỗ lực khởi đầu ở thế kỷ VI đạt đến thời vàng son ở thế kỷ VIII, với thánh Germanô thành Constantinopolis (+733), André đảo Crêta (+740) và nhất là Gioan Đamascênô (+753).

Có một truyền thống thuật lại rằng sự kiện Đức Maria được đưa lên trời đã xảy ra tại Êphêsô (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), trong ngôi nhà được gọi là « Nhà của Đức Trinh Nữ Maria », vẫn còn lôi kéo một số đông khách hành hương.

Có thể nói, không có một truyền thống nào lên đến thời các tông đồ về kết cuộc đời sống Đức Maria, và nhất là theo nghĩa việc đó là một yêu tố của lời rao giảng đức tin.

Thánh Êpiphaniô thành Salamine (+403) tuyên bố: “Có lẽ Đức Thánh Trinh Nữ đã chết và được chôn cất…có thể  ngài đã bị giết…có thể khi đó ngài vẫn còn sống. Bởi lẽ Thiên Chúa làm gì Người muốn, và không ai biết kết cuộc của Đức Maria như thế nào”.

Kể từ thế kỷ V, đã thấy có những sách nguỵ thư được chuyền tay nói về sự “qua đi” (“transitus”) của Đức Maria, xuất phát từ ngoài Palestine, nhằm lấp đầy những khoảng trống của Truyền thống. Tất cả đều giả thiết cái chết của Đức Maria và nói đến một sự phục sinh thể xác hay chỉ đề cập đến việc di chuyển thân xác của ngài vào địa đàng.

Ở thế kỷ VII, lễ phụng vụ kính nhớ Đức Maria mang nhiều danh xưng: “lễ Mẹ Thiên Chúa an giấc) (“Dormitio” (la tinh) // “Koimesis” (hy lạp). Danh xưng này sẽ chiếm ưu thế bên Đông phương, ở thế kỷ VIII. (Khoảng giữa thế kỷ VI thì người ta gọi lễ này là “Análepsis” = Assumptio  nghĩa là “Mông triệu”). Có nơi gọi là “Metástasis”: transitus (qua đời) hay Depositio (=an táng), hay Dies Natalis (=ngày sinh vào Nước Trời). Dần dần danh xưng “Dormitio” (an giấc) thắng thế. Khi đó, người ta không còn  hoài nghi gì về cái chết của Đức Maria.

Trong hán việt, thuật ngữ trang trọng trước kia quen được dùng để chỉ lễ này là MÔNG TRIỆU THĂNG THIÊN. Có lẽ viết đầy đủ là : « Mông chủ sủng triệu » nghĩa là « được (mông) tình yêu (sủng) của Chúa (chủ) gọi về (triệu) »)

Trong Giáo Hội By-zan-tin, đạo lý này vẫn được duy trì nhưng như một niềm tin đạo đức (pieuse croyance) chứ không như một tín điều được định tín. Việc công bố tín điều năm 1950 gặp phải một sự khước từ trong Giáo Hội Chính thống, không phải vì nội dung cho bằng việc công bố này minh họa đạo lý về quyền tối thượng và đặc ân bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng.

Bên Tây phương sự phát triển đạo lý về việc mông triệu khởi đầu với việc Giáo Hội Rôma tiếp nhận lễ Dormitio (An giấc) của Đức Maria dưới thời ĐGH Sergiô I (678-701), được cử hành vào ngày 15/8.

Vấn đề này còn được tranh luận trong một thời gian dài. Các nhà thần học chưa nhất trí về tầm mức của niềm tin ấy. Có người cho đó chỉ là lòng đạo đức bình dân, người khác thì cho là chân lý mạc khải. Chưa có ai quả quyết rằng đây là điều buộc phải tin.Tuy nhiên niềm tin tưởng đạo đức vào sự mông triệu của Đức Maria ngày càng chiếm ưu thế. Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V, dòng Đa Minh (1566-1572) loại khỏi sách nguyện lá thư của tác giả phủ nhận sự mông triệu của Đức Maria.

Sang thế kỷ XVII và XVIII, vẫn còn xuất hiện những cuộc tranh luận nho nhỏ về vấn đề, nhưng không còn phủ nhận tính cách mạc khải của đạo lý này.

Vào thời công đồng Vatican I, năm 1869-1870, 204 nghị phụ (trong số 750) thỉnh nguyện xin tuyên bố tín điều Mông triệu); từ đó con số cứ tăng lên mãi. Ngày 01/5/1946, ĐGH Piô XII gửi thông điệp cho hàng giám mục thế giới để thỉnh ý các ngài về hai điểm: a) đây có phải là chân lý mạc khải hay không?     b) Có nên tuyên bố thành tín điều hay không? Tuyệt đại đa số các thư phúc đáp gởi về cho thấy rõ niềm tin tưởng đạo đức này đã trở thành một xác tín đức tin trong toàn thể Giáo Hội. Sau đó, Đức Piô XII đã tiến hành việc tuyên bố tín điều vào ngày 01/11/1950. (Đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất ĐGH sử dụng đặc ân bất khả ngộ đã được công đồng Vatican I tuyên bố)

Định tín

Ngày 01 tháng 11 năm 1950, tại quảng trường thánh Phêrô, trước một đám đông được ước lượng lên đến một triệu người, với khoảng 600 hồng y và giám mục đến từ khắp thế giới, Đức Giáo Hoàng Piô XII,  trong tông hiến “Munificentissimus Deus” (“Thiên Chúa rất quảng đại”), đã long trọng công bố tín điều Đức Maria đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác, như một sự thông dự có một không hai vào sự phục sinh của Đức Kitô, và báo trước sự phục sinh của các tín hữu. ĐGH đã định tín việc Mông Triệu của Đức Maria như một chân lý được Thiên Chúa mạc khải, phải được các kitô hữu xem như bảo chứng của   việc chúng ta được kết hợp vào sự chiến thắng của vị thủ lãnh thần linh của chúng ta trên sự dữ và việc chúng ta được thông phần vào vinh quang của Đức Kitô theo mức độ chúng ta đã kết hợp, bằng lòng tin và lòng mến, vào công trình cứu chuộc của Người.

Mở đầu tông hiến, ĐGH nói về sự hài hòa giữa các đặc ân của Đức Maria mà Giáo Hội đã không ngừng tìm kiếm để khám phá. ĐGH nói đến mối liên hệ mật thiết giữa sự thụ thai vô nhiễm và việc mông triệu.

Tông hiến còn trích dẫn chứng từ của Phụng vụ, của các giáo phụ, và các nhà thần học dựa trên nền tảng tối hậu là Kinh Thánh, vì Kinh Thánh cho thấy Đức Maria liên kết mật thiết với Con Ngài. Một nền tảng khác là thế song đối Evà và Maria và sự toàn thắng tội lỗi nơi Đức Maria là Đấng đã được thụ thai vô nhiễm, là Mẹ đồng trinh và là người trợ tá của Đấng cứu chuộc. Nhờ việc định tín này, ĐGH hy vọng sẽ có một sự tiến bộ đáng kể trong cộng đồng nhân loại vì nhắm tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài cũng hy vọng một sự tiến bộ trong việc sùng kính Đức Maria nơi các tín hữu, một khát vọng mãnh liệt hơn hướng đến sự hiệp nhất của nhiệm thể, một lòng yêu mến Đức Maria sâu đậm hơn nơi mọi người mang danh kitô hữu, một sự quí trọng sự sống con người hơn trong một thời đại duy vật, và sau cùng, một sự củng cố thêm vững mạnh niềm tin vào sự phục sinh của chính chúng ta.

Một vài nhận xét.

  1. Văn kiện nhìn nhận việc lên trời của Đức Maria như là một hồng ân, do lòng ưu ái đặc biệt, của Thiên Chúa. Hồng ân này bao hàm cả một chuỗi những hồng ân khác.
  2. “Sau khi kết thúc dòng đời dưới thế”: Đức Piô XII không nói rằng Đức Maria không phải chết, cũng chẳng nói rằng Ngài đã chết và đã phục sinh, nhưng chỉ nói : “sau khi chấm dứt cuộc đời trân thế”, toàn thể con người của Ngài được cất nhắc về trời. Những lời lẽ được dùng ở đây cố ý để ngỏ vấn đề Đức Maria có chết trước khi được phục sinh hay Ngài đã được đưa về trời mà không trải qua cái chết.
  3. Chân lý này không do Giáo Hội bày đặt ra, nhưng là “tín điều do Chúa mạc khải”. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là phải tìm thấy trong Kinh Thánh một lời tuyên bố rằng Đức Maria được cất nhắc về trời, nhưng là xét một cách toàn bộ, được giải thích theo Truyền thống đức tin. Những đoạn văn được trích dẫn là:
    a)) St 3, 15: Các giáo phụ đã nhìn thấy Đức Maria liên kết với Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại, như bà Evà mới bên cạnh Ađam mới. Đức Maria được tham dự với Đức Kitô vào sự chiến thắng cái chết cũng như được tham dự vào chiến thắng tội lỗi.
    b)) 1 Cr 15: Việc Đức Kitô chiến thắng cái chết có ảnh hưởng đến toàn Giáo Hội, nhiệm thể của Người. Cũng như Đức Maria đã thông dự với Đức Kitô khi chiến đấu chống lại tội lỗi, nên cũng được Chúa Cha tiền định, khi chiến thắng tội lỗi và những hậu quả của nó (cái chết). Vì thế Mẹ cũng được tham dự vào sự Phục sinh là tột đỉnh của ơn cứu độ toàn diện dành cho hết mọi kitô hữu.
    c)) Lc 1, 28: Lời thiên thần Gabriel chào kính Đức Maria như “Đấng đầy ân sủng” gợi lên ơn phúc cao vời nhất là được cứu chuộc khỏi sự hư hoại.
    d)) Kh 12: Người phụ nữ khoác áo mặt trời ám chỉ Hội Thánh khải hoàn. Tuy nhiên nhiều giáo phụ và nhà thần học đã áp dụng cho Đức Maria được tôn vinh trên thiên quốc.
    e)) Ngoài những bản văn Kinh Thánh nói trên, tông hiến còn dựa vào các giáo phụ, các nhà thần học, cũng như sự phát biểu tâm tình đạo đức của Dân Chúa, đặc biệt là qua phụng vụ.

Ý nghĩa sự tôn vinh Đức Maria

Trong phần cuối này, chúng ta muốn tìm hiểu ý nghĩa của việc tôn vinh thể xác Đức Maria đối với đời sống đức tin của người tín hữu.

1.Tăng cường niềm hy vọng của Giáo Hội.

Đức Maria trở nên người đầu tiên được thông phần với Đức Kitô cách trọn vẹn nhất, ngay cả trong sự tôn vinh thể xác của ngài. Nhờ đó ngài trở nên mẫu mực và bảo chứng cho toàn thể Giáo Hội. Đức Maria là sự thể hiện cá nhân đầu tiên điều chờ đợi những người được cứu chuộc. Bởi vì tương lai của Giáo Hội đã được thể hiện nơi Đức Maria, là hình ảnh hoàn hảo nhất, là nguyên mẫu của Giáo Hội. Nơi Đức Maria, Giáo Hội đã được hoàn toàn cứu chuộc, không phải trong hết mọi phần tử của mình, nhưng thực sự Giáo Hội đã được cứu chuộc nơi Đức Maria. Sự cứu độ xác thịt đã đạt đến giai đoạn hoàn tất chung cuộc. Ta có thể nói Đức Maria là mẫu gương và mục đích của Giáo Hội xét như một toàn thể. Nơi Đức Trinh Nữ phục sinh với Đức Kitô, Giáo Hội lữ hành tiến bước về ngày quang lâm đã bắt đầu thực hiện sự hoàn tất mầu nhiệm của mình. Vì thế, Đức Piô XII nói: “ Niềm tin vào việc Đức Maria hồn xác lên trời là bảo chứng cho niềm hy vọng của chúng ta và củng cố niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh của chính mình.

Cũng theo chiều hướng tư tưởng này mà công đồng Vatican II viết ở số 68 trong hiến chế tín lý về Giáo Hội, trước khi kết thúc chương VIII bàn về Đức Trinh Nữ Maria: “Ngày nay, Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác lên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. Pr 3, 10), ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành”.

2.Tôn vinh thân xác

Trong xã hội ngày nay, một số lớn xem ra tôn thờ thân xác như một ngẫu tượng, có người khác thì lại khinh dể thân xác, nhưng Giáo Hội, qua việc tuyên xưng Đức Maria hồn xác lên trời, tán dương phẩm giá đích thật của thân xác con người. Ở thời đại chúng ta, trong đó, tại nhiều nơi, thân xác con người bị xúc phạm, sỉ nhục, làm cho hèn hạ, bị hành hạ, thật là khích lệ khi thấy thân xác con người đạt đến tột đỉnh vinh quang nơi Đức Maria.

Nơi Đức Maria được tôn vinh cả hồn lẫn xác, ta thấy nổi bật sự cao quí của thân xác.Thân xác thông dự vào sự vinh thăng của linh hồn, góp phần vào hạnh phúc và sự hoàn thiện của con người. Sự phục sinh của Đức Kitô cũng đã biểu lộ sự cao quí của thân xác trong việc cứu chuộc toàn diện, nhưng dù sao thân xác Đức Kitô cũng ở trong một trường hợp ngoại lệ, vì là thân xác của Thiên Chúa làm người. Còn thân xác Đức Maria là thân xác của một thụ tạo thuần túy. Thế nhưng thân xác Đức Maria cũng đã được vinh hiển rất giống với thân xác Đức Kitô, và, qua đó, chỉ cho ta thấy mọi người cùng được mời gọi chia sẻ sự hoàn hảo đó trong thân xác cát bụi của mình. Qua việc Thiên Chúa tôn vinh thân xác Đức Maria, mọi thụ tạo được bảo đảm rằng vật chất, dù mỏng dòn và chóng qua, cuối cùng cũng sẽ được liên kết với số phận vinh phúc của tinh thần.

Việc Đức Maria hồn xác lên trời làm nổi bật sự đóng góp tích cực của thân xác con người cho định mệnh thiêng liêng và vĩnh cửu của con người. Thân xác của Đức Maria đã không là một chướng ngại, một  cám dỗ hay làm suy giảm ân sủng. Thay vì cản trở sứ mạng, chính nhờ thân xác mà Đức Maria đã có thể trở thành Mẹ Thiên Chúa. Trong việc Đức Maria được vinh thăng, thân xác ngài biểu lộ giá trị của sự cộng tác cho việc nhập thể cứu chuộc.

Vì thế, việc Đức Maria hồn xác lên trời mời gọi chúng ta nhìn thân xác và vũ trụ vật chất trong cái định mệnh chung cuộc và huy hoàng của nó, được chuẩn bị dưới thế bằng việc cộng tác vào công trình cứu độ. Thân xác và vật chất biểu lộ giá trị đích thực của chúng, không hề có sự hạ giá hay khinh dể thân xác trong kitô giáo. Thân xác trở nên, nơi Đức Maria và nơi Đức Kitô, môi trường cho sự cứu chuộc và chiến thắng vinh quang trên sự dữ. Vì thế, không thể đơn thuần định nghĩa thân xác như đồng lõa với tội lỗi. Trong chương trình của Thiên Chúa, thân xác góp phần vào sự chiến thắng của ân sủng và sự cộng tác này được ân thưởng bởi tình trạng vinh quang vĩnh cửu.

3.Bối cảnh của một thế giới duy vật

Tín điều Đức Maria hồn xác lên trời đem lại lợi ích lớn lao cho các tín hữu trong bối cảnh hiện nay của một thế giới trong đó chủ nghĩa duy vật thắng thế.

Đức Piô XII nói: “ Trong khi những phát minh của chủ nghĩa duy vật và sự suy đồi của phong hóa xuất phát từ đó  có nguy cơ nhấn dìm sự hiện hữu của của nhân đức, và bằng cách gây ra chiến tranh, hủy diệt mạng sống con người, tín điều Đức Maria hồn xác lên trời làm sáng tỏ trước mắt mọi người linh hồn và thân xác chúng ta được dành cho mọi môn đệ Chúa Kitô.

Giáo Hội không lên án, mà, trái lại, cổ võ những nỗ lực của nhân loại trong thời đại chúng ta để cải thiện thân phận con người nhờ những tiến bộ khoa học, kinh tế và xã hội. Giáo Hội không lên án vật chất, nhưng  tố giác chủ nghĩa duy vật và những quan niệm sai lạc về một sự cứu độ thuần túy tại thế,  giản lược vào chiều kích duy nhất là sự giải phóng trần thế và trong thời gian hiện tại mà thôi.

4.Thăng tiến người nữ

Phải nhận rằng, suốt dòng lịch sử nhân loại, người nữ đã bị coi rẻ, nếu không muốn nói là bị khai thác cách bỉ ổi. Ngay trong Giáo Hội, người nữ thường cũng bị đối xử như những người chưa thành niên.


Đức Maria được Giáo Hội xưng tụng là Nữ vương các thiên thần và các thánh, Nữ vương thế giới.

Thế nhưng, trong đại lễ Mông triệu này, Giáo Hội đặt trước mắt chúng ta  người nữ được thăng tiến và trở thành thụ tạo tuyệt vời nhất chưa từng có trên đời này. Ngoại trừ Đức Giêsu, con người hoàn hảo, nhưng vẫn là Thiên Chúa, con người độc nhất,  thành toàn nhất lại là một người nữ. Đức Maria được Giáo Hội xưng tụng là Nữ vương các thiên thần và các thánh, Nữ vương thế giới. Ngài vượt xa trên tổ phụ mình là Abraham, trên Gioan Tẩy Giả, mà Đức Giêsu gọi là vị ngôn sứ vĩ đại nhất, trên thánh  Phaolô, thánh Vinh Sơn Phaolô…và các vị Giáo hoàng vĩ đại nhất. Được nâng lên chóp đỉnh vinh quang, Đức Trinh Nữ trở nên biểu tượng của thụ tạo được biến hình đổi dạng, điều mà hết mọi người nam và người nữ đều được mời gọi thể hiện. Đức Maria trở nên biểu tượng đẹp nhất của nhân loại thành đạt, được Chúa Giêsu cứu chuộc và biến đổi.

Xin đừng nói Đức Maria không thể là biểu tượng của người nữ nói chung vì những đặc ân, ơn gọi và những tước hiệu đặc biệt của Mẹ. Đức Maria thực sự là hình ảnh của người phụ nữ “bình thường”. Mặc dù được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, Mẹ hoàn toàn giống các phụ nữ khác, với những công việc đơn điệu hằng ngày, bếp núc, giặt giũ, nội trợ, những đêm không ngủ, những cuối tháng chật vật…Và Thiên Chúa tôn vinh Mẹ như Ngài cũng sẽ tôn vinh mọi phụ nữ trên thế giới ra sức chu toàn bổn phận tẻ nhạt hằng ngày.

Sự trổi vượt của một con người không tùy thuộc vào chức vụ của mình nhưng vào sự thánh thiện và phẩm chất và cường độ tình yêu của mình: về mặt này người nam thường thua cuộc!

Lời nguyện kết

Lạy Mẹ Maria, linh hồn con hớn hở vui mừng nhân ngày Mẹ được đưa về trời. Linh hồn con ngợi khen Chúa đã tuyển chọn Mẹ từ muôn thuở, Mẹ là người khiêm hạ và đơn sơ nhất trong tất cả các nữ tử Israel.
Linh hồn con ngợi khen Chúa đã kết hợp Mẹ mật thiết nhất với sứ mạng lớn lao của Người là việc cứu độ trần gian.
Linh hồn con ngợi khen Chúa đã ban cho nhân loại một Evà mới, chói lọi huy hoàng và vẹn tuyền.
Linh hồn con ngợi khen Chúa đã giao phó cho Mẹ Người Con chí ái của Ngài, mà cả những người con khác là tất cả loài người.
Linh hồn con ngợi khen Chúa đã đưa Mẹ vào vinh quang, cả hồn lẫn xác, bên cạnh Người Con yêu quí của Mẹ.
Từ vụ trí ưu việt này, còn hơn thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Mẹ tiếp tục tuôn đổ muôn ân phúc xuống trần gian!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *