fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG- THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG

16.12.2021 – THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG

Lc 7,24-30
“Anh em đi xem gì trong hoang địa?…” (Lc 7,24)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Gia đình Dacaria và Elizabeth tốt lành, thánh thiện không chê vào đâu được, nhưng họ lại không có con đàn cháu đống, mà phải khô héo như gốc tre già chẳng có lấy một mụn măng non. Mãi đến khi tre gần tàn thì măng mới mọc, nhưng lại trớ trêu thay: người cha bị câm suốt thời gian người mẹ thai nghén, đến khi con chào đời và được đặt tên, thì người cha lại nói được và cất lời ca tụng Thiên Chúa. Bởi đó, những người chứng kiến sự việc đều cảm nhận rằng: em bé này rất đặc biệt, nhưng họ chỉ có thể hỏi nhau: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?[1] và không tìm ra câu trả lời. Em bé đó chính là Gioan Tẩy Giả.

Sinh ra trong dòng dõi tư tế, Gioan Tẩy Giả sớm ảnh hưởng lối sống đạo đức của cha mẹ, nên việc cậu sớm tìm đến lối sống nhiệm nhặt chay tịnh của những vị ẩn sĩ nơi sa mạc cũng thật dễ hiểu. Cho đến khi Thiên Chúa thôi thúc ông xuất hiện kêu gọi dân Israel sám hối dọn lòng đón chờ Đấng Mêsia, lời giảng dạy và lối sống của ông trở thành một sự kiện lớn đối với dân chúng. Họ rủ nhau đến nghe ông giảng và lãnh nhận phép rửa như một dấu chỉ hoán cải.

Trong khi Gioan Tẩy Giả nói về “Đấng đến sau” ông đầy quyền năng và uy nghi cao cả, thì chính Chúa Giêsu cũng nói về ông và đề cao ông trước những người từng ngưỡng mộ lối sống khắc khổ ấy: “Anh em đi xem gì trong hoang địa?… Một vị ngôn sứ chăng?” Thường người ta dễ suy tôn các ngôn sứ trong quá khứ, nhưng lại rất dè dặt khi nói đến người cùng thời đại với mình. Những người lãnh đạo Do Thái lúc đó không nhìn nhận Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ, dân chúng cũng chỉ coi ông là một nhân vật cao trọng đặc biệt, nhưng Chúa Giêsu nói rằng nơi bản thân Gioan Tẩy Giả cũng như sứ điệp của ông là tất cả tinh hoa của Cựu Ước.[2] Vì thế, Người quả quyết: “Tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa!

Rất nhiều người đã được lôi cuốn bởi lối sống và lời giảng của Gioan Tẩy Giả, họ lãnh nhận phép rửa của ông và thay đổi lối sống, từ bỏ tiện nghi vật chất và đi theo ông làm môn đệ. Khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Người cho một số môn đệ của ông, họ đã đi theo và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Ngược lại, những người lãnh đạo tôn giáo lúc đó lại không chấp nhận Gioan Tẩy Giả, vì họ không muốn thay đổi, họ ngại từ bỏ, ngại hy sinh. Do đó, họ cũng không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà họ hằng trông đợi.

Không nhiều thì ít, chúng ta được hiểu biết về Kinh Thánh, về Chúa Giêsu qua việc nghe Lời Chúa kèm theo bài giảng, nhưng cần thêm một thái độ đức tin và khiêm tốn thật sự, để có thể nhận ra sứ điệp Lời Chúa được biểu hiện qua đời sống, hành động của những người sống bên cạnh chúng ta, như Đấng đáng kính P.X Nguyễn Văn Thuận… Chúng ta cũng có thể sống “tính cách ngôn sứ” ấy khi sống yêu thương, bác ái, liên đới và hy sinh vì mọi người…

Nhờ hiểu biết Lời Chúa và luôn sống khiêm nhường, Mẹ Maria đã mau mắn đón nhận và vâng theo sứ điệp mà thiên sứ Gabriel loan báo. Mẹ sẵn sàng thay đổi chương trình và cả cuộc sống cho phù hợp với Tin Mừng mà Mẹ đón nhận và cưu mang. Sự thinh lặng của sa mạc nội tâm giúp Mẹ nghe được tiếng Chúa rất rõ ràng. Chính Mẹ cũng sống tính cách ngôn sứ trong lời nói và việc làm: qua nét mặt, cử chỉ và ngôn ngữ chào hỏi của Mẹ, bà Êlisabeth đã nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi Mẹ và cả đứa con trong lòng bà ấy cũng nhảy mừng.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ Maria, tôi học hỏi Lời Chúa và thực hành trong đời sống hằng ngày.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con sống sứ mạng ngôn sứ như Mẹ, để qua cuộc sống của con, mọi người nhận ra Chúa đang hiện diện trong thế giới hôm nay.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://www.facebook.com/maddala.maria.9/posts/1002977393898775)

[1] X. Lc 1,57-66
[2] Lời Chúa cho mọi người, trang 1747, phần chú giải.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *