fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ SÁU TUẦN III PHỤC SINH

06.5.2022 – THỨ SÁU TUẦN III PHỤC SINH

Ga 6,52-59
“…tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6,57)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Tất cả chúng ta, trước khi được sinh ra trên đời, đều đã được nuôi bằng máu, thịt của mẹ. Cách riêng, những ai đã làm mẹ chắc chắn có kinh nghiệm hơn về “nuôi con bằng máu thịt” trong giai đoạn thai kỳ. Thai nhi được nuôi dưỡng và phát triển nhờ dòng máu của mẹ lưu chuyển trong cơ thể bé qua dây “nhau”. Khi sinh ra, phải cắt đứt dây nhau ấy và bé lại được tiếp tục nuôi bằng chính dòng sữa của mẹ. Kế đến, bé lại được mẹ nuôi bằng cơm, bánh, bằng sự chăm sóc ân cần cho tới bao lâu mẹ con còn ở bên nhau.[1] Vì thế mới có câu: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ…

Từ kinh nghiệm sự sống thân xác cần được mẹ nuôi dưỡng như thế, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được mặc khải của Chúa Giêsu về sự sống của linh hồn cần được Chúa nuôi dưỡng đến thế nào: “…tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (c.57).

Vì là Con, Chúa Giêsu “sống nhờ Chúa Cha”, tùy thuộc vào Cha trong mọi sự. Chính sự tùy thuộc đó làm cho Người đẹp lòng Chúa Cha và được Chúa Cha tôn vinh. Tùy thuộc vào Cha và thi hành ý muốn của Cha chính là sự sống của Chúa Con, như Người đã từng nói với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.”[2]

Khi quy tụ các tông đồ, Chúa Giêsu muốn các ông “ở với Người”, rồi khi lập Bí tích Thánh Thể, Người khao khát chúng ta “ lại trong Người” và Ngườilại trong ta”. Để “ở lại trong Chúa”, chúng ta cần “ăn” Chúa, để chính Thịt và Máu Chúa nuôi dưỡng và biến đổi ta. Nhờ lãnh nhận Mình Máu Chúa Giêsu, chúng ta được “Giêsu hóa”: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (c.56). “Ở lại trong nhau” vừa là phương thế, vừa là cùng đích của sự “nên một”. Chúng ta “nên một” với Chúa Giêsu trong ý thức tôn thờ Chúa Cha và thực thi thánh ý của Cha. Nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, ta được tham dự vào sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

“Mỗi lần tham dự thánh lễ, tôi đem tất cả những cái gì là tôi, cuộc sống tôi, để làm tấm bánh dâng lên Chúa. Chúa Giêsu đón nhận tấm bánh ấy để biến đổi nên Máu Thịt của Người. Chúa nhận cuộc sống tôi, nhận tôi, hầu gắn liền tôi với Người…”[3] Khi ta tiếp rước Chúa Giêsu Thánh Thể, thì chính Người đón nhận chúng ta, Người nhận lấy tất cả những gì là hư hèn và yếu đuối của ta và biến đổi nó bằng ơn thánh của Người. Nhờ đó, ta không còn bị lệ thuộc vào tội lỗi và bản tính hay chết, nhưng ta được tháp nhập vào sự sống của Người.

Chính khi mở lòng đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa, Mẹ Maria được tháp nhập nên một với Đấng là sự sống vĩnh cửu. Khi cưu mang và nuôi dưỡng Người trong thân xác và bằng dòng máu tinh tuyền, Mẹ lại được tham dự vào sự sống đời đời với Chúa Giêsu ngay từ đời này. Chúa Giêsu cũng đón nhận từ nơi Mẹ máu thịt và dòng sữa trinh nguyên, vòng tay ấm áp và lời ru thiết tha, sự chăm sóc và dạy dỗ… Đồng thời, Mẹ cũng cưu mang Người trong tâm hồn Mẹ, và Chúa Giêsu cũng nên một với Mẹ trong mọi hành động và ý nghĩ. Chính vì thế, sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh và về trời, Người cũng ân thưởng Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi dọn mình cách xứng đáng mỗi khi rước lễ, ý thức cám ơn Chúa đã ngự vào lòng và sốt sắng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ biết rõ: con chỉ có thể sống cách dồi dào và ý nghĩa khi có Chúa. Xin Mẹ giúp con biết yêu mến, tôn sùng và gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, để Chúa tiếp tục và hoàn tất công cuộc Nhập Thể của Chúa trong cuộc sống của con. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: facebook.com/permalink.php?story_fbid=108697641836368&id=103586152347517)

[1] X. Cha Piô Ngô Phúc Hậu. http://www.giaophanhunghoa.org/vi/giao-ly-duc-tin/giao-ly-du-tong/
[2] Ga 4,34
[3] Lm Giuse Nguyễn Công Đoan. https://linhthao.net/wp-content/uploads/2014/01/Linh-Thao-8-ngay.pdf?x16251

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *