fbpx

NGÀY THẾ GIỚI CẦU CHO ÔNG BÀ VÀ NGƯỜI CAO TUỔI – CN 24.7.2022


Phúc
cho ngôi nhà nào bảo vệ một người cao niên!
Phúc cho gia đình nào hiếu kính với ông bà![1]

Tiếng điện thoại vang giữa đêm, Ngọc giật mình tỉnh dậy, mắt nhắm mặt mở lại gần cầm điện thoại, nhìn lên màn hình thấy đó là cuộc gọi từ Ông nội. Ngọc đinh ninh trong đầu là có chuyện gì đó chẳng lành thì Ông mới gọi vào giữa đêm.

  • Ngọc à, mai nhớ vào sửa cho ông cái tivi để ông xem thời sự nhé”.
  • “Đang giữa đêm mà ông, vâng mai cháu vào”.

Ngọc khó chịu vừa ngáp vừa trả lời. Thế là Ngọc trằn trọc không ngủ được, Ngọc trách ông đã làm mất giấc ngủ của mình, nhưng một luồng suy nghĩ mới bỗng chợt lóe lên trong đầu Ngọc: làm gì có mấy người gần chín mươi tuổi mà vẫn cập nhật thời sự, cầm được cái điện thoại ‘cục gạch’ gọi cho con cháu như thế. Tuổi tác đã làm thay đổi nhịp sống, đồng hồ sinh học và những cảm thức về thời gian của Ông, nhưng sự minh mẫn thì vẫn còn đó. Tự nhiên Ngọc lại thấy vui, Ngọc nhận ra Thiên Chúa vẫn luôn quan phòng ban ơn cho Ông, cho Bà và đó là hồng ân cho cả gia đình.

Tuổi già là một hồng ân, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như vậy khi thiết lập Ngày quốc tế Ông bà và người cao tuổi: “Tuổi già là một hồng ân và ông bà là mắt xích kết nối các thế hệ khác nhau, để truyền kinh nghiệm sống và đức tin cho những người trẻ[2]. Sách khôn ngoan còn nói rằng: “Người tuổi già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu”.[3] Ngọc được sinh ra và lớn lên tại một làng Công giáo toàn tong; tuy là toàn tòng nhưng do hoàn cảnh ngặt nghèo, các sinh hoạt trong giáo xứ bị giới hạn, mãi gần đây mới có Cha xứ về coi sóc, nhờ vậy đức tin của giáo dân mới được vững vàng hơn; nhưng Ngọc may mắn được sinh ra trong một gia đình nơi mà những nền tảng Kinh thánh và giáo lý, cũng như các hình thức đạo đức bình dân được hun đúc và bám rễ từ Ông bà rồi thông truyền qua Bố mẹ. Ngọc lớn lên và vào đời với những nền tảng và giá trị căn bản của Tin mừng mà Chúa đã thương ân ban qua các vị tiền nhân.


Gần người già, chúng ta sẽ học biết và cảm nhận được cả một kho tàng kiến thức,
kinh nghiệm và bài học xử thế.

Nhìn vào những người già như ông của Ngọc chúng ta thấy được cả một chặng đường lịch sử trải dài, gần họ chúng ta sẽ học biết và cảm nhận được cả một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm, và bài học xử thế. Ở nơi người già chúng ta tìm được một một cuốn sách sống với những nếp nhăn của thời cuộc, của thăng trầm và cả thánh giá mà Chúa trao. Không những thế chúng ta còn thấy được chính tương lai của mình và thấy được cách mà Thiên Chúa đã thực hiện các kế hoạch của Ngài trong từng giai đoạn của cuộc đời, qua đó chúng ta vững tin vào sự hiện diện của Ngài. Nhưng trong một nền văn hóa vứt bỏ, thì có rất nhiều người già đang bị lãng quên, thậm chí bị bỏ rơi, bị đổi xử một cách tệ bạc, điều này đi ngược lại với giới răn mà Thiên Chúa đã dạy con người: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”.[4]

Đức Thánh Cha trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần II đã khẳng định : “Tuổi già không phải là thời gian vô ích để hạ mái chèo con thuyền sang một bên, nhưng là mùa vẫn còn trổ sinh hoa trái[5].

 Hơn thế nữa Ngài còn mời gọi người già đóng góp và trở thành nhân vật chính của cuộc cách mạng, dễ thường bạn sẽ nghĩ đó là 4.0 theo xu hướng hiện tại, nhưng không phải, đó là cuộc cách mạng tinh thần, bất bạo động- cách mạng của sự dịu dàng.

 
“Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả” (Tv 92, 15).

Sinh, bệnh, lão, tử là một quy luật bất biến trong sự vận hành của cuộc sống. Lo âu, sợ hãi là điều không thể tránh khỏi, nhưng với đức tin mạnh mẽ, Ông bà của Ngọc phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa, bởi vậy nên Ông bà luôn cảm nhận được sự bình an.  Điều mà Ông bà lo lắng nhất là tương lai của đàn con, đàn cháu và trong đó Đức tin là điều mà Ông bà trăn trở nhất. Ngày ngày, Ông bà vẫn luôn nhắc nhở con cháu đi lễ, đi nhà thờ, lãnh nhận các Bí Tích, đồng thời Ông bà cầu nguyện liên lỉ cho cả gia đình và từng thành viên trong những dịp đặc biệt. Ông bà ngày càng già đi thì con cháu càng lớn lên. Như bao gia đình Công giáo khác, chuyện hôn nhân khác đạo luôn là một nỗi đau đầu với các gia đình có con cái đến tuổi trưởng thành. Người trẻ với những hiểu biết và va chạm trong một thế giới tự do, tân tiến thường coi việc học đạo, theo đạo, giữ đạo là chuyện thứ yếu, chuyện thủ tục làm cho xong. Bằng những kinh nghiệm sống và đức tin đã được thử thách qua muôn vàn sóng gió Ông bà Ngọc luôn khuyên con cháu mình nên tìm người bạn đời có đạo, để cùng giúp nhau sống trung thành với Chúa, với nhau và nuôi dạy con cái cho nên người Công Giáo; nhưng nếu không được thì luôn phải đặt Thiên Chúa vào trung tâm cuộc sống, phải trung thành với căn tính Ki-tô hữu của mình. Là một người trẻ tôi thấy rằng mình cần phải xác tín như vậy, xin cám ơn các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu bối những chứng tá đức tin sống động và kiên trung.


Bà yên tâm đi từ từ nha, chúng con dắt bà!

Thật cảm động biết bao, khi trong mỗi gia đình, những người con, người cháu dìu bước cha mẹ, ông bà chậm chạp bước lên từng bực cấp nhà thờ để tham dự Thánh lễ. Hình ảnh này vừa lột tả niềm hạnh phúc của người kính sợ Chúa, tuân giữ mệnh lệnh Chúa truyền[6], vừa cho thấy dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc[7]. Xin Thiên Chúa là cha nhân từ, gìn giữ các vị cao niên trong những ngày tháng cuối đời và soi sáng cho mỗi người con, người cháu biết kính trọng và sống trọn trách nhiệm, bổn phận với Ông bà, và với chính Thiên Chúa.

Minh Nguyên


[1] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-05/su-diep-cho-ngay-the-gioi-ong-ba-va-nguoi-cao-tuoi-lan-ii.html

[2] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-01/dtc-thiet-lau-nga-quoc-te-ong-ba-cao-tuoi.html

[3] Kn 4, 7

[4] Xh 20, 12

[5] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-05/su-diep-cho-ngay-the-gioi-ong-ba-va-nguoi-cao-tuoi-lan-ii.html

[6] Tv 119

[7] Tv 112

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *