fbpx

CÙNG MẸ SỐNG TIN MỪNG – THỨ HAI TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

10.10.2022 – THỨ HAI TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
Lc 11,29-32
“…Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)

CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:

  • Các Sơ sống rất đẹp, làm những việc rất tốt, nhưng theo đạo của các Sơ thì tôi không theo. Vì tôi không thể thờ một ông bị chết treo trần trụi trên thập giá.

Đó là lý do khiến cô X không chấp nhận đức tin Công Giáo, trong khi hai người bạn của cô (cùng học điều dưỡng với các Sơ) đã theo đạo và còn trở thành nữ tu nữa. Hiện nay bà X đã ngoài 90 tuổi, hai người bạn là nữ tu cũng đang ở nhà hưu.

Vâng, Thập giá của Đức Kitô luôn là một dấu lạ mà nơi đó, nhiều người không thể chấp nhận được, nhưng với những ai có lòng tin, thì đó lại là một bằng chứng tuyệt vời nhất về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và là nguồn suối bình an. Vì không tin Chúa Giêsu, những người lãnh đạo Do Thái đã đòi xem dấu lạ mặc dù đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm họ vẫn không chịu hoán cải, lại còn đòi dấu lạ khác.

Chúa Giêsu không thỏa mãn đòi hỏi của họ, vì đức tin là một ân ban cho những người có tâm hồn đơn sơ, còn dấu lạ chỉ là để củng cố đức tin mà thôi. Người cho biết: “ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (c.30). Sau 3 ngày nằm trong bụng cá, ông Giôna xuất hiện tại Ninivê và kêu gọi người ta sám hối. Dân Ninivê đón nhận sự kiện đó như một dấu lạ, họ ăn chay, hoán cải, và được Thiên Chúa tha thứ.

Dấu lạ cao cả nhất mà Chúa Giêsu thực hiện chính là khiêm nhường đón nhận cái chết trên thập giá như một tử tội, nhưng Thiên Chúa đã cho Người Phục Sinh. Mầu nhiệm khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu vẫn luôn là dấu lạ cho mọi thời đại, vượt trên mọi hiểu biết và lý trí của con người, như Thánh Phaolô đã xác tín: “Trong khi người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm triết lý, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh Thập giá.”[1] Những ai đón nhận “dấu lạ” của Người với một lòng tin đơn sơ và chân thành hoán cải sẽ được cứu độ.

Ngày nay, có nhiều người nghiên cứu Thánh Kinh không phải để gặp gỡ Thiên Chúa, mà chỉ muốn mở rộng sự hiểu biết về tôn giáo để so sánh, để tranh luận hơn thua, hoặc tìm kiếm một lối giải thích Kinh Thánh sao cho “hợp thời”, hợp sở thích của họ. Do đó, khi Giáo Hội kiên quyết trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu về việc bảo vệ sự sống, không chấp nhận hôn nhân đồng tính…thì họ đã công khai từ bỏ Giáo Hội. Họ muốn tự tạo ra một “Thiên Chúa” theo ý của họ.

Chỉ những ai trung thành và khiêm tốn lắng nghe, chiêm ngắm và tìm kiếm Chúa thực sự như ông Nicôđêmô mới đón nhận được dấu lạ của Chúa, qua cái chết và sự Phục Sinh của Người. Thật vậy, chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, ông Nicôđêmô đã công khai đứng vào hàng ngũ những môn đệ hạ xác và an táng Chúa và chứng tỏ đức tin của mình.[2] Sơ Catherine Labouré đã lắng nge lời Đức Mẹ dạy đến chân bàn thờ để chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá và gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, chính Người sẽ ban cho các ơn cần thiết để vượt qua được mọi gian nan thử thách trong cuộc sống và tận hưởng nguồn bình an từ nơi thập giá Chúa Giêsu.

Mẹ Maria đã tin và đồng hành với Chúa Giêsu suốt hành trình dương thế đến khi Người trút hơi thở cuối cùng, mà không hề đòi hỏi một dấu lạ nào. Mẹ luôn lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, sống với Chúa trong mọi niềm vui nỗi buồn… Chính đức tin mạnh mẽ làm cho Mẹ vốn đầy ơn phúc lại càng đáng được chúc phúc hơn nữa.

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Cùng với Mẹ Maria, tôi năng gặp gỡ Chúa, lắng nghe và tín thác vào Chúa cách đơn sơ.

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết chiêm ngưỡng những việc cao cả Chúa làm cho con, qua những điều rất bình thường mỗi ngày, để con luôn tín thác vào tình yêu của Chúa. Amen

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.

(Đọc toàn bài Phúc Âm: https://urlzs.com/iTmYr)

[1] Cr 1, 22-23

[2] X. Ga 3,1-21.31-36; 19,39

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *