fbpx

CÙNG MẸ ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ – ĐIỂM HẸN THÁNG 7: KHO BÁU THÁNH THỂ (KỲ CUỐI)

ĐIỂM HẸN THÁNG 7: KHO BÁU THÁNH THỂ
(Kỳ 6/cuối)


Cha giải tội Aladel, CM

Sơ Catherine lấy hết can đảm đến trình với cha Aladel trong tòa giải tội. Dĩ nhiên cha không đón nhận những lời kể của Sơ. Ngài nói: “Chỉ là ảo ảnh! Nếu con muốn tôn sùng Đức Mẹ, con hãy bắt chước các nhân đức của Ngài và tránh đừng tưởng tượng nữa.[1] Sơ Catherine rút lui, không thể hiện gì ra bên ngoài, nhưng một sự va chạm thật nặng nề bên trong. Sơ cảm nhận sự đau đớn nhưng sâu lắng trong tâm hồn là niềm vui, vì Sơ đã dám làm theo lệnh truyền của Mẹ là chỉ được phép nói với cha giải tội thôi, nhưng giờ đây Sơ lại phải cố gắng theo lệnh của cha giải tội là quên đi câu chuyện này!

Thực tế đã trả lời là Sơ không hề tưởng tượng. Biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra những năm sau đó trong nhà dòng cũng như ngoài xã hội, Sơ phải đối diện và kiên trì phấn đấu để những yêu cầu của Đức Mẹ được thực hiện, nhất là những gì liên quan đến Mẫu Ảnh Phép Lạ và tượng Đức Mẹ cầm quả cầu. Các chị em sống cùng cộng đoàn với Sơ đã làm chứng về những lần Sơ ghé vào nhà nguyện viếng Chúa Giêsu Thánh Thể: khi đến nét mặt Sơ căng thẳng và phiền muộn, vài phút sau Sơ trở ra, khuôn mặt bình an.


Thái độ quì thẳng và trầm lặng của Sơ trước Nhà Tạm,
khiến nhiều người nhận xét: “Cứ như là Sơ đang thấy Thiên Chúa vậy.”

[2]Vào đầu năm 1876, Sơ linh cảm đây là năm cuối cùng của đời Sơ. Nỗi băn khoăn về bàn thờ với tượng Đức Mẹ cầm quả địa cầu chưa được thực hiện, nay lại càng tăng lên. Hơn nữa, cha giải tội Aladel đã qua đời, một cha giải tội khác được thay thế, nhưng nay lại thuyên chuyển đi nơi khác. Thật là đau đớn cho Sơ Catherine! Sơ đánh liều tới xin gặp cha Bề Trên Tổng Quyền Tu Hội Truyền Giáo để xin cho cha giải tội này được ở lại. Đáng tiếc thay, cha Bề Trên Tổng Quyền không biết gì về Sơ Catherine và lý do của lời cầu xin này, cha chỉ thấy là tính khí người già không thích thay đổi, cha không thể ban ân huệ này cho Sơ được!


Chân dung Sơ Catherine Labourê
Thời gian cuối đời.

Sơ Catherine lòng đau như cắt, nước mắt rưng rưng, nhớ lời Đức Mẹ dạy Sơ tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để đón nhận ánh sáng và năng lượng của Ngài hầu vượt qua chặng đường cuối này. Được Đức Mẹ cho phép, Sơ tìm gặp và trình bày với Sơ bề trên nhà. Tới đây, bản trường ca của Sơ như một đoạn hòa tấu giữa những cung bậc hoan hỷ, bi ai dồn dập, có những dấu thăng của sự can trường vâng theo thánh ý Chúa và dấu bình, dấu lặng của lòng đơn sơ khiêm nhường để trình bày với Sơ bề trên, giữa sự mạnh mẽ điều chỉnh cảm xúc của bản thân và sự mềm mỏng, cảm thông tha thứ cho người khác. Khi Sơ bề trên được nghe Sơ Catherine kể lại những lần hiện ra của Đức Mẹ từ tháng 7.1830 và Sơ nhấn mạnh đến yêu cầu của bức tượng Đức Mẹ cầm quả cầu đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Sơ bề trên trước đây dễ nóng giận với Catherine vì phản ứng tự vệ, nay cảm thấy lỗi lầm của mình:

Tôi đã quì xuống chân chị để xin lỗi chị vì đã biết quá ít về chị.

  • Chị được vinh dự lớn quá!

Catherine đáp:

  • Ồ không, tôi chỉ là một dụng cụ. Đức Trinh Nữ không hiện ra vì tôi. Nếu Mẹ chọn tôi là kẻ không biết gì hết, là để người ta không thể nghi ngờ về Mẹ.[3]

tttuy Sơ bề trên cảm thấy khó xử trước lời thỉnh cầu của Sơ Catherine để làm bức tượng Đức Mẹ với quả cầu trong đôi tay Mẹ, rồi lại những tia sáng phát xuất từ đôi tay mở rộng của Đức Mẹ…Sơ thật sự không hiểu được những gì Sơ Catherine tường thuật:

  • Người ta sẽ nói rằng Sơ điên!
  • Ồ, đây không phải là lần đầu. Trước đây, cha Aladel đã gọi tôi là ‘con ong vò vẽ dữ dằn’, khi tôi nhấn mạnh đến việc này!
  • Nhưng nếu cha Aladel từ chối, chắc ngài phải có lý do chứ?
  • Đây chính là nỗi đau khổ của tôi!

Sau nhiều tranh cãi và hỏi thêm ý kiến của các Sơ làm phòng thánh đã nghe cha Aladel đôi lần nói về việc phải kiếm người làm bức tượng này, nhưng không thành. Sơ bề trên đã được Đức Mẹ thúc đẩy thực hiện dự án này, theo chỉ dẫn của Sơ Catherine. Nhưng than ôi! Khi Sơ Catherine được mời đến kiểm tra tác phẩm kia thì Sơ thất vọng, vì Đức Mẹ không đẹp như Sơ đã thấy và đã tả. Đồng thời, Sơ khác thì lại nghĩ Sơ Catherine là một thiếu nữ miền quê, làm sao có thể góp ý cho một nghệ nhân, rồi lại cho là Sơ Catherine mất trí khi can thiệp vào chuyện “cao cấp” này!!!


Chỉ sau khi Sơ Catherine Labourê qua đời,
Tượng Đức Mẹ cầm quả cầu mới được đặt trong nhà nguyện Phố Bắc.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dừng chân trước tượng này
và cầu xin Đức Mẹ che chở toàn thế giới, ngày 30.5.1980.

Thế là Sơ Catherine Labouré đã hoàn tất sứ mạng và cùng với Mẹ, Sơ đã kết thúc thiên trường ca tri ân Thiên Chúa với tất cả cung bậc thăng, trầm, bi, hỉ… nhờ ánh sáng và năng lượng của Kho Báu Thánh Thể và làm vinh danh lời Chúa Giêsu đã phán: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”[4]

Thiên trường ca đã đi vào đoạn kết
Tấu vang nào, mọi cung bậc bi hoan
Bổng trầm, dìu dặt, nhịp nhàng
Chúc khen Ánh Sáng Vinh Quang ngàn đời

Cùng với Mẹ, một đời con hát
Khúc bi-hùng vang khắp trần gian
Kho Báu Thánh Thể hồng ân
Nguồn Năng Lương của thế nhân ngàn đời.

HALELUIA!


[1] René LAURENTIN, Cuộc đời thánh nữ Catherine Labouré, trang 39  

[2] Agnès Richomme, thánh nữ Catherine Labouré, trang 83 tt    

[3] René Laurentin, cuộc đời thánh nữ Catherine Labouré trang 107 

[4] Ga 8,12

()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *