fbpx

HƯỚNG TỚI NGÀY GIỖ THỨ 363 CỦA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – KỲ 10

CẦU NGUYỆN 15 NGÀY VỚI THÁNH VINH SƠN

Jean-Pierre Renouard, CM

Ngày thứ chín

GIÁO HỘI, THÀNH ĐÔ

CỦA NGƯỜI NGHÈO

Đức thánh cha Phanxicô hạnh phúc

được gặp gỡ và ở giữa những người bé nhỏ…

Tất cả mọi người làm thành một thân thể nhiệm mầu; tất cả chúng ta đều là chi thể của nhau. Chưa bao giờ nghe nói có một chi thể nào, ngay cả trong loài thú, lại không nhạy cảm với sự đau đớn của một chi thể khác, có một phần nào của con người bị chấn thương, tổn thương hay hành hung mà các phần khác của con người lại không cảm thấy bị tổn thương lây. Điều này không thể nào có được. Tất cả các chi thể của chúng ta hết sức giao cảm và liên kết với nhau đến nỗi sự đau đớn của chi thể này là sự đau đớn của chi thể khác. Phương chi, các kitô hữu vốn là chi thể của cùng một thân thể và là chi thể với nhau, đều phải cảm thông với nhau. Sao! Là kitô hữu và thấy anh em mình đau khổ, mà không khóc với người ấy, mà không bệnh với người ấy sao! Đó là không có đức bác ái; đó là làm kitô hữu hình thức; đó là không có nhân tính; đó là tệ hại hơn thú vật (XII, 271).

            Cha Vinh Sơn đã chọn phần tốt nhất và ngài truyền đạt sự phấn khởi của ngài: “Số phận của chúng ta, các Cha và các Thầy thân mến, là người nghèo, người nghèo!” (XII, 4). Và với các Nữ tử Bác ái, ngài phấn khởi khuyên bảo: “Phục vụ người nghèo là phục vụ Đức Giêsu Kitô. Ôi các con thân mến, điều ấy thật quá đúng! Các con phục vụ Đức Giêsu Kitô trong bản thân người nghèo. Và điều này cũng đúng như chúng ta đang có mặt ở đây! “(IX, 252). Điều đập vào mắt độc giả thường xuyên của vị thánh chúng ta, đó là sự ngoan cố của ngài khi sáng lập những cơ chế, dệt nên các mối quan hệ rõ ràng xung quanh người nghèo. Ngài không ngừng hình dung những tổ chức mới và làm cho tất cả các thành phần của chúng làm việc chung với nhau. Nữ tử Bác ái, các Cha Tu Hội Truyền giáo, các Bà Hiệp hội Bác ái, linh mục và những người phụ trách dân sự, đàn ông và phụ nữ thiện chí, tất cả đều được mời gọi hợp nhất với nhau để tìm cách đáp ứng các nhu cầu của người nghèo. Nhất là ngài thành công trong nỗ lực liên kết, cùng một lòng nhiệt thành quảng đại, chị vắt sữa bò không học thức với bà hoàng hậu sống trong cung điện Louvre, cô gái nghèo thôn quê với bà quý tộc mang nhiều đồ trang sức!

Như thế, ngài khai mạc một cách thức mới để “thể hiện Giáo Hội”. Ngài biết theo trực giác rằng Thiên Chúa không phân biệt giữa các con người và ngài đã suy gẫm đầy đủ sách Tông đồ Công vụ để nhớ rằng Giáo Hội sơ khai mời gọi sự hợp nhất trong Tinh thần này. Dân Chúa trong sự hiệp thông, đó là quan niệm ngôn sứ của ngài về một Giáo Hội gắn bó với Phúc Âm.   

Trong tư tưởng của ngài, chúng ta xa rời cảnh nhung lụa và vàng bạc của các hoàng tử-giám mục, các tu viện trưởng chuyên chỉ huy và một hàng giáo phẩm quá thường xuyên vắng mặt. Tại Hội đồng lương tâm từ năm 1643, thánh Vinh Sơn học biết cách bổ nhiệm những linh mục có giá trị, những mục tử, làm giám mục các giáo phận trống tòa. Ngài biết các quyết định và định hướng của công đồng Trente. Ngài muốn thấy sự hữu hiệu của công cuộc truyền giáo nhưng lại thấy “có quá nhiều vị vô ích… Nhu cầu lớn nhất của Giáo Hội là có những người có tinh thần phúc âm làm việc tẩy sạch, soi sáng và hợp nhất Giáo Hội với phu quân thần linh của Giáo Hội” (III, 202). Một hôm, chúng ta bắt gặp ngài từ chối dùng ảnh hưởng của mình để đưa một ứng viên tiến tới chức linh mục:”Tôi sẽ theo lương tâm góp phần giúp anh lãnh nhận các chức thánh, nhất là chức linh mục, bởi vì thật bất hạnh cho ai nhận lãnh chức thánh bằng cửa sổ của một sự lựa chọn riêng, chứ không phải bằng cửa chính của một ơn gọi chân chính” (VII, 462). Người ta có thể dễ dàng hình dung nét mặt luật sư của bên kia (!) khi nhận một câu trả lời như thế, và sự biện hộ của ông đột ngột cụt hứng!    

Nhưng mối bận tâm của Cha Vinh Sơn nằm ở chỗ khác; ngài đã từng làm cha sở ở nông thôn, tại Clichy, tiếp xúc với nông dân của một giáo xứ tốt lành: “Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha không hạnh phúc bằng một cha xứ giữa một dân chúng tốt bụng như thế” (IX,646). Cũng vậy ở Châtillon, một giáo xứ thịnh vượng và rất ngăn nắp: Cha Vinh Sơn thành công, vì người ta có thiện chí.

             Tại Montmirail, ngài thuyết phục một người Tin Lành Pháp trở lại đạo bằng một phương pháp sư phạm hoàn toàn có tính chất phúc âm và chính ngài giải thích tại sao có sự trở lại đạo này:

            “Người Tin Lành tò mò tham dự các bài giảng và giờ dạy giáo lý; người ấy thấy sự ân cần dạy dỗ những người dốt nát các chân lý cần thiết cho phần rỗi của họ, đức bác ái mà người ta dùng để thích nghi với sự yếu đuối và chậm hiểu của những người thô lỗ nhất, và các hiệu quả tuyệt vời mà sự nhiệt thành của các Cha Truyền giáo thực hiện trong tâm hồn những kẻ tội lỗi nhất”. Xúc động đến bật khóc, người ấy đến gặp vị thánh và nói: “Chính bây giờ tôi mới thấy Chúa Thánh Thần dẫn dắt Giáo Hội Rôma, vì ở đó người ta chăm lo dạy dỗ về phần rỗi của dân làng nghèo; tôi sẵn sàng gia nhập Giáo Hội, xin Cha vui lòng nhận tôi vào ” (XI, 35-36).    

Như thế, thánh Vinh Sơn đối diện với Giáo Hội của người nghèo và ngài hoàn toàn thích hợp với Giáo Hội này. Sau lời tuyên xưng đức tin của người Tin Lành, Vinh Sơn ngây ngất thốt lên để kết luận: “Ôi! hạnh phúc thay cho chúng ta, các nhà truyền giáo, được kiểm chứng hoạt động của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội của Người, bằng cách làm việc, như chúng ta đang làm, là ra sức dạy dỗ và thánh hóa người nghèo” (XI,37). Ngài còn cho chúng ta thấy một cách cụ thể, rằng công cuộc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo như là tiêu chuẩn của sự hiện diện hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội của Người. Có thể nói được rằng Vinh Sơn trải ra toàn bộ hoạt động của ngài trên nền tảng Giáo Hội.   

Vì thế, “nhiệm thể” Đức Kitô, đối với ngài, không phải là một sự trừu tượng hóa của nhà thần học. Ngài đã hiến thân cho Chúa. Ngài biết rằng Giáo Hội, trong thực tại thần linh, là tình huynh đệ bao la của con cái Chúa, bao gồm một cách ưu đãi đặc biệt, kẻ bé nhỏ nhất. Và ngài vui mừng về điều này. Vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong tâm hồn người nghèo như trong tâm hồn tất cả mọi người thiện chí. 

Giám Mục Jacques Bénigne Bossuet

1627-1704

 Có một điều không xa lạ với đề tài của chúng ta, đó là chúng ta hãy nhớ lại ở đây Jacques Bénigne Bossuet. Năm 1659, ông trở thành người thuyết giảng được ưa chuộng trong các nhà thờ lớn và nhà nguyện hoàng gia; năm ấy, ông giảng nhiều về “phẩm giá cao cả của người nghèo”, rõ ràng vang lại tư tưởng của Vinh Sơn Phaolô; hai người này quen biết nhau, quý trọng nhau và làm việc chung. Chúng ta tìm thấy trong đoạn văn này một ý tưởng trổi vượt: điều mà Đức Giêsu Kitô hằng mong muốn trước hết cho Giáo Hội, cho dù làm mất lòng người giàu và người quyền thế, đó là thế giới của người thấp cổ bé miệng và kẻ hèn mọn. Làm sao ngày nay không còn suy gẫm điều này nữa?  

 “… Chỉ có Chúa Cứu Thế và chính sách của trời mới có khả năng xây dựng cho chúng ta một thành đô phải thật sự là thành đô của người nghèo. Thành đô này chính là Giáo Hội; và, nếu các bạn hỏi tôi, các kitô hữu thân mến, tại sao tôi gọi Giáo Hội là thành đô của người nghèo, thì tôi xin nói ra lý do bằng câu này: Giáo Hội, trong kế hoạch đầu tiên của mình, chỉ được xây dựng cho người nghèo và họ là công dân thực thụ của thành đô diễm phúc này mà Kinh Thánh gọi là Thành đô của Chúa… Vì thế, hỡi những người giàu có, các bạn hãy vào Giáo Hội của Chúa; cuối cùng cánh cửa được mở ra: nhưng nó được mở ra cho các bạn vì lợi ích của người nghèo và với điều kiện các bạn phục vụ họ. Chính vì tình yêu dành cho con cái Chúa mà Chúa cho phép các người lạ ấy vào. Các bạn hãy nhìn thấy phép lạ của sự nghèo khó. Người giàu vốn là ngoại kiều, nhưng việc phục vụ người nghèo cho họ nhập quốc tịch… Hỡi người giàu, hãy xin Chúa ban lòng thương xót Chúa” (Bài giảng về “phẩm giá cao cả của người nghèo”).

(Còn tiếp)

  ()

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *