09.03.24 – THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY
“Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
(Lc 18,13c)
CHIÊM NGẮM MẸ SỐNG TIN MỪNG:
Hôm qua, Sứ điệp Lời Chúa đưa chúng ta trở về với điều răn quan trọng nhất, đó là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta đi sâu vào tương quan cá vị với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện.
Trong Bài Đọc I, dân Do Thái đã từng chạy theo các thần của dân ngoại và Thiên Chúa đã bỏ mặc họ. Thế rồi họ bảo nhau phải quay về với Chúa, nhưng lại tưởng lầm cứ dâng nhiều hy lễ thì được Chúa nhận lời, mà không quan tâm đến tâm tình yêu mến và sám hối bên trong. Họ không nhận biết tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa là ân huệ nhưng không Chúa ban, mà cứ tưởng họ được cứu độ là nhờ những công trạng của họ. Thế nên, qua ngôn sứ Hô-sê, Thiên Chúa mới thốt lên: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.”[1]
Cũng một cách nghĩ “truyền thống” như thế, người Pharisêu trong dụ ngôn của Chúa Giêsu đã kể lể với Chúa rất nhiều công trạng của mình. Quả thật, những điều ông đã thực hiện thì ít ai làm được, vì thế ông tự cho mình là công chính và đáng được Thiên Chúa thưởng công. Nguy hiểm hơn, ông còn lấy mình làm chuẩn để xét đoán người khác! Ông không thấy cần được Thiên Chúa thương xót và cứu độ.
“Còn người thu thuế thì đứng đằng xa,… vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’” (c.13). Anh nhận biết Thiên Chúa là Đấng công chính và thương xót, đồng thời ý thức mình là kẻ có tội cần được Chúa xót thương. Như thế, anh đã sống trong sự thật và trong sự công chính của Thiên Chúa,[2] Chúa đã giải thoát và ban cho anh đức công chính của Người.
Những việc cứu trợ, từ thiện, giúp làm nhà thờ, xây đài Đức Mẹ…quả là tốt, nhưng nếu Chúa không ban ơn như sức khỏe, của cải vật chất, tinh thần, chúng ta đã không thể hoàn thành. Ta cần khiêm tốn nhìn lại mình dưới ánh sáng của Chúa, để nhận ra những bất toàn, tội lỗi, cần được Chúa tha thứ, xót thương. Thấy mình có tội, khiêm tốn nhận lỗi như người thu thuế, và xin Chúa ơn can đảm để sửa lỗi, đó là bước khởi đầu để nên thánh. Theo thánh Vinh Sơn Phaolô: “Khiêm nhường là nền móng của sự hoàn thiện”[3]
Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp ta biết mình rõ hơn, khiêm nhường sám hối, mở lòng đón nhận ơn Chúa để được biến đổi. Chính khi cảm nhận được ơn tha thứ và lòng thương xót của Chúa, ta cũng dễ dàng cảm thông, tha thứ và thương xót anh chị em mình.
Khiêm nhường là đức tính căn bản nơi Mẹ Maria: luôn nhìn nhận mình là nữ tỳ hèn mọn của Chúa và trông cậy vào lòng thương xót của Người. Mẹ nhìn nhận những đặc ân Mẹ có được là do Chúa ban để biết ơn và ca ngợi Chúa. Chính vì Mẹ tự hạ mình xuống nên được Chúa nâng lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…”[4] Mẹ khiêm nhường nhận chìm mình vào đại dương lòng thương xót của Thiên Chúa, để cảm nhận được tình thương và muôn vàn ân huệ của Người. Từ đó, Mẹ mở rộng lòng để phân phát những ân huệ ấy cho mọi người bằng sự cảm thông, giúp đỡ những ai gặp khó khăn, đau khổ… Mẹ luôn đi bước trước để đến với họ.[5]
SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ:
Noi gương Mẹ, tôi
- Luôn cám ơn Chúa về những gì làm được, ý thức giới hạn để sống khiêm tốn.
- Cảm thông với những bất toàn của người khác và cầu nguyện cho họ.
CẦU NGUYỆN VỚI MẸ:
Lạy Mẹ Maria, xin giúp con không ngừng khao khát nên thánh nhờ lòng thương xót của Chúa. Xin Mẹ dạy con sống khiêm nhường như Mẹ, luôn ý thức con cần đến sự tha thứ của Chúa và quyết tâm sám hối, canh tân, trở nên con người mới trong Chúa, nhờ đó, con cũng luôn biết cảm thông với những yếu đuối của người khác. Amen
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội,
Xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ.
[1] Bài đọc I, Hs 6,6
[2] Lời Chúa cho mọi người, trang 1784, phần chú giải.
[3] LC. II,7
[4] Lc 1,46-55
[5] X. Lc 1,39; Ga 2,3
()