THÁNH NỮ CATHERINE LABOURÉ, ntba
(1806-1876)
Lễ mừng hằng năm: 28.11
Sơ Catherine Labourê và Mẫu Ảnh Phép Lạ
Catherine Labouré sinh ngày 03.5.1806 và qua đời ngày 31.12.1876. Thông thường, Giáo Hội ấn định ngày qua đời của vị thánh là ngày mừng lễ, ám chỉ ngày vị đó được sinh ra trong Nước Trời. Tuy nhiên, trường hợp “người con yêu của Đức Mẹ” thì được vinh dự mừng lễ ngay sau ngày Đức Mẹ hiện ra với Sơ lần thứ hai (27.11.1830) và lại rơi đúng vào trước ngày kỷ niệm thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, 29.11.1633.
Sơ Catherine Labourê được phong thánh không phải vì đã được Đức Mẹ hiện ra, nhưng vì đã hết lòng yêu mến Chúa, nhìn ra Chúa nơi chị em và người nghèo để hết lòng kính trọng và dấn thân Loan Báo Tin Mừng qua các việc phục vụ với tất cả con người phụ nữ của Sơ, đúng như lời ĐTC Phanxicô: “…Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng “thiên khiếu phụ nữ” được nhìn thấy nơi phong cách thánh thiện đầy nữ tính, vốn là một phương tiện thiết yếu để phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này”.[1]
Sơ Catherine Labourê Loan Báo Tin Mừng
cho những người Sơ gặp gỡ
Thật vậy, Sơ Catherine Labouré là một nữ tu thất học về văn hóa nhưng lại xuất sắc tại trường học của Thiên Chúa và Mẹ Maria. Sơ đã được Đức Mẹ tuyển chọn và trao phó sứ mệnh truyền bá mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội, với phương tiện Mẫu Ảnh đơn sơ. Ngày qua ngày, với ơn Chúa, Sơ đã vượt qua biết bao trở ngại và những tình thế khó xử, để Mẫu Ảnh được đúc ra và phân phối đi khắp nơi. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là danh tính của “thị nhân” luôn được giữ kín, nhờ vậy Sơ vẫn sống âm thầm, dành trọn thời gian cho việc phục vụ người nghèo, theo ơn gọi của Sơ; đồng thời là sứ giả Loan Báo Tin Mừng cho mọi người Sơ gặp gỡ, nhờ phương tiện Mẫu Ảnh nhỏ bé này.
- Loan Báo Tin Mừng trong cuộc sống đời thường
Là một Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Sơ luôn tâm niệm giáo huấn của các Đấng Sáng Lập và đem ra thực hành, nhất là ba nhân đức nền tảng của Tu Hội: khiêm nhường-đơn sơ-bác ái. Trong cộng đoàn, Sơ rất niềm nở, không có vấn đề với bất cứ ai…chính Sơ là người dàn xếp mọi vấn đề trong nhà, về vật chất hoặc về tính tình. Người ta đặt trên lưng Sơ những gì không giải quyết được và Sơ sắp xếp tất cả. Mọi người đều cho đó là điều bình thường và không ai nhớ đến công ơn của Sơ[2]. Chị phục vụ (Sơ bề trên nhà) luôn đối xử nghiêm khắc với Sơ, ngay cả sau khi đã được biết Sơ Catherine là người được Đức Mẹ hiện ra. Một số chị em khác trong cộng đoàn cũng “đồng lõa” với Chị phục vụ, vì nhìn thấy phong cách quê mùa cộng với những công việc tầm thường Sơ làm, đến độ xem Sơ là “đồ ngu” và “ngốc nghếch”[3].
Sơ Catherine làm như không hay biết gì, nhưng âm thầm làm “bến cảng” cho những chị mới đến, phải chịu đựng những thử thách tương tự như Sơ. Những người giúp việc rất yêu mến Sơ, vì Sơ tốt lành và quan tâm đến họ, nhất là khi họ đau ốm. Giữa Sơ và các cụ già, các trẻ em, những người đau khổ…luôn có sự đồng cảm, mến thương nhau, kính trọng nhau, nói năng hòa nhã và tin tưởng nhau. Sơ được nổi tiếng, dù thầm kín, là việc canh thức người hấp hối. Nhờ thế, Sơ giúp họ làm hòa được với Chúa trước khi qua đời, ngay cả những người vô tín ngưỡng hoặc thuộc hàng quí tộc[4].
- Loan Báo Tin Mừng trong những nghịch cảnh, hiểm nguy…
Sơ Catherine Labourê Loan Báo Tin Mừng
cho các binh lính sắp ra trận
Từ năm 1870, nước Pháp tuyên chiến với nước Phổ. Quân Phổ vây hãm Paris, nạn đói xảy ra. Tình hình thật bi thảm, trường học và nhà dưỡng lão biến thành trạm cứu thương. Sơ Catherine làm hết sức mình để có thức ăn ngon cho bệnh nhân và thương binh[5]. Sau các trận đánh danh dự cuối cùng, bản đình chiến được ký kết. Cách mạng mới thành công, nhưng chẳng bao lâu lại có “cuộc nội chiến”. Các Sơ tiếp tục chăm sóc các thương bệnh binh, không phân biệt phe phái; chính vì thế, các Sơ bị đe dọa. Biết là họ sẽ khám xét nhà, Chị phục vụ phải lẩn trốn đi; Sơ Catherine nảy ra một ý tưởng xuất chúng là đi bước trước để tránh “gây sốc” là cộng đoàn đã mất người lãnh đạo. Đích thân Sơ đến tổng hành dinh của nhóm nổi dậy ở Reuilly để thảo luận với họ, thì tốt hơn tại nhà mình. Cuộc trao đổi rất gay go, Sơ Catherine bình tĩnh phân tích theo lý cho họ hiểu. Họ không chịu thua và muốn bắt Sơ, nhưng lại bị cản trở bởi những binh sĩ đã nhận được lòng bác ái không kỳ thị của Sơ, nên đã quyết liệt hỗ trợ Sơ. Cuối cùng Sơ Catherine đã thắng cuộc, Sơ ra về và người ta ra lệnh rút quân kiểm soát nhà cộng đoàn của các Sơ.
- Ảnh Đức Mẹ Ban Ơn, phương tiện loan báo Tin Mừng
Đã 41 năm rồi tính từ năm Đức Mẹ hiện ra (1830), danh tính của Sơ vẫn được giữ kín. Như tất cả các Nữ Tử Bác Ái khác, Sơ Catherine phân phát rộng rãi các Ảnh, không phân biệt giới tuyến và người nhận là ai, ngay cả đối với những người phe cách mạng, khi họ xin Ảnh, vì họ phải ra trận và họ cảm nhận sự che chở bình an của Đức Mẹ.
Những năm cuối đời, Sơ Catherine phụ trách nhà khách, là nơi cần có sự quan tâm tới mọi việc xảy ra và những người đến đó. May thay những Ảnh Phép Lạ đã đem lại nhiều thành quả. Ông Siron, thủ lãnh những kẻ chiếm đóng và là một cựu tù khổ sai, cũng đến xin sơ Mẫu Ảnh. Sơ không phân biệt đối xử và đã biếu ông. Sau này, ông đã thú nhận công khai, không che giấu: “Tôi đã thay đổi hoàn toàn”. Ông trở thành người bảo vệ cho cộng đoàn các Sơ[6].
Xác thánh của Sơ vẫn còn nguyên vẹn cho tới ngày nay
và được tôn kính tại nguyện đường số 140, phố Bắc, Paris, nước Pháp,
nơi Đức Mẹ đã hiện ra với Sơ vào năm 1830.
Thế đấy, Sơ Catherine Labouré đã làm hết sức mình, với khả năng khiêm tốn và sự nhiệt thành, đơn sơ, để tất cả những ai đã gặp gỡ, tiếp xúc với Sơ đều nhận được sự cảm thông, tin tưởng, kính trọng và nhờ đó, họ cảm thấy gần gũi hơn với Thiên Chúa. Đúng như thánh Tổ phụ Vinh Sơn đã nói: “Chỉ mình tôi yêu Chúa thôi thì chưa đủ, nếu người anh em tôi chưa yêu mến Người.”[7] Sơ Catherine Labouré đã làm cho mọi người xung quanh Sơ cảm nhận được sự tốt lành của Thiên Chúa bằng chính sự giản dị khiêm nhường của Sơ, giản dị như Mẫu Ảnh Phép Lạ mà Sơ chia sẻ, để người ta nhận được biết bao ơn lành của Chúa qua tay Đức Mẹ. Sơ chính là một “Tác viên Tin Mừng” tuyệt vời!
Chúng con hết lòng cám ơn Mẹ đã ban cho chúng con một phương tiện đơn sơ, nhỏ bé, nhưng nói lên đầy đủ tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con biết làm lan tỏa tình thương ấy đến cho mọi người như Sơ Catherine Labourê đã làm.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,
xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ
[1] Tông huấn “hãy vui mừng và hoan hỷ”, số 12
[2] X. René Laurentin, Cuộc đời thánh nữ Catherine Labourê, trang 64
[3] Nt. trang 65
[4] Nt. trang 66-67
[5] Nt. trang 75
[6] Nt. 81-87
[7] SV XII, 262 – 263