LẦN BƯỚC THEO
CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ
(1581-1660)

VỊ TÔNG ĐỒ NGƯỜI NGHÈO
BỔN MẠNG CÁC TỔ CHỨC TỪ THIỆN BÁC ÁI[1]

Lễ mừng hằng năm: 27.9


BƯỚC THỨ BA: VINH SƠN PHAOLÔ 
MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI TIẾP TỤC SỐNG ĐỨC TIN – MỘT CHA XỨ HẠNH PHÚC

Đức Tin của cha Vinh Sơn vào Chúa và Đức Mẹ đã được đáp trả: cha đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ và về tới Rôma. Sau thời gian ngắn ở Rôma, cha Vinh Sơn rời “kinh thành muôn thuở” này, về lại Pháp. Tuy nhiên, ngài không về giáo phận gốc là Dax, cũng không về thăm mẹ và gia đình ở Pouy sau bao ngày xa cách; nhưng về thẳng Paris.  

Những ngày tháng cư ngụ tại Paris là thời gian cha Vinh Sơn vẫn luôn ấp ủ giấc mơ về hưu sống an nhàn bên cạnh mẹ già. Muốn được như vậy thì phải kiếm cho ra được nhiều tiền. May mắn thay! Vào mùa thu 1608, cha nhận công việc làm tuyên úy cho hoàng hậu Marguerite de Valois, vợ thứ nhất của vua Henri IV, nay đã bị thất sủng và thường được gọi là hoàng hậu Margot. Thời đó, hàng ngày có rất nhiều người nghèo đói tới gõ cửa lâu đài, nên bà hoàng hậu này giao cho cha nhiệm vụ “phát chẩn”, nghĩa là bố thí tiền bạc, bánh mì, thực phẩm cho họ. Cha chỉ bố thí của cải chứ không ban tặng tình yêu. Đó chưa phải là phục vụ người nghèo đúng nghĩa.  

Lá thư ngày 10.02.1610 của cha Vinh Sơn gửi cho mẹ, nói rõ mục tiêu này: “…những ngày mà con cần lưu lại ở thành phố này là để tìm dịp thuận tiện cho việc tiến thân (mà những cuộc mạo hiểm của con đã ngăn trở) làm con ân hận vì đã không phụng dưỡng mẹ cho phải lẽ, nhưng con hy vọng Chúa sẽ chúc lành cho công việc con làm và Ngài sẽ ban cho con phương tiện thực hiện một cuộc nghỉ hưu thoải mái, hầu sống những ngày còn lại của đời con bên cạnh mẹ.

Thời gian này, cha chia sẻ phòng trọ với một người đồng hương. Một biến cố đã xảy ra là trong thời gian cha lâm bệnh, một nhân viên đem thuốc đến cho cha và đã ăn cắp túi tiền của người bạn kia mà cha không biết. Khi người bạn đi làm về, thấy mất tiền, đã tra khảo cha Vinh Sơn, nhưng người đó không đón nhận bất cứ lời giải thích nào của cha. Cuối cùng ngài bị kết án là ăn cắp tiền với trát lệnh. Trát lệnh này là lời buộc tội công khai, được đọc liên tiếp trong ba tuần lễ trên tòa giảng trong giáo xứ của bị cáo.[2]

Thật là một biến cố khủng khiếp và nhục nhã đối với cha Vinh Sơn, một con người đầy tham vọng, đang tìm cách xây dựng những mối tương quan tốt để có một địa vị ở Paris. Nhưng trong cha đang có một sự biến đổi, nên cha đã chọn thái độ im lặng. Mãi hơn 40 năm sau, ngài mới thuật lại sự kiện và nói lý do: …tuy nhiên người đó vẫn không bao giờ đính chính và tự nghĩ khi thấy mình bị vu khống: ta sẽ biện minh chăng? Vì ta đã bị cáo gian. Nhưng không, người đó tự nhủ khi nâng tâm hồn lên tới Chúa, ta sẽ chịu đựng điều đó một cách kiên nhẫn. Người đó đã làm như vậy.[3]

Câu chuyện kết thúc có hậu. Thủ phạm đánh cắp đã bị lột mặt nạ. Cha vinh sơn có được kinh nghiệm về thân phận của người nghèo không có tiếng nói và cũng không được ai bênh vực.

Nhưng  “họa vô đơn chí”, tai nạn này đi thì tai nạn khác tìm đến. Cũng trong thời gian này, cha quen biết một nhà tiến sĩ thần học và ông này kể cho cha nghe cơn cám dỗ về đức tin mà ông đang trải qua: ông luôn có trong đầu những tư tưởng xấu xa về Đức Giêsu Kitô và rất tuyệt vọng đến nỗi muốn nhảy qua cửa sổ tự vẫn… Cha đã chỉ cách cho ông ta hướng về Rôma hoặc bất cứ nhà thờ nào để chứng tỏ là ông ta tin những gì Giáo Hội Rôma tin… Thiên Chúa đã đoái thương vị tiến sĩ tội nghiệp đó: ông được thoát khỏi những bức màn đen tối và lại thấy rõ các chân lý đức tin.

Bây giờ đến lượt cha Vinh Sơn bị bao vây bởi bức màn đen tối. Cha cầu nguyện, khổ chế, nhưng vẫn sống trong đêm tối mù mịt. Cha đã viết từng đoạn trong kinh Tin Kính, may vào áo để trước ngực. Mỗi lần cha cảm thấy bị cám dỗ, cha lại để tay vào trước ngực chỗ có câu kinh để khẳng định đức tin của mình, tay kia cầm cây Thánh giá.

Lần này cha lại có thêm kinh nghiệm cái nghèo thiêng liêng, cái nghèo tận căn của Đức Kitô trên thập giá, như là bị Thiên Chúa bỏ rơi. Cơn cám dỗ này kéo dài từ  ba tới bốn năm. Cha Vinh sơn quyết định đi thăm viếng bệnh nhân ở bệnh viện. Từ từ, cơn cám dỗ biến mất. Chính người nghèo đã giải thoát cha và cha cũng hiểu rằng muốn chữa lành những căn bệnh thiêng liêng thì phải dấn thân phục vụ.

Năm 1612, cha Vinh Sơn được trao phó trách nhiệm trông coi giáo xứ Clichy, một làng nhỏ, khoảng 600 giáo dân, ở gần Paris.

Cha rất phấn khởi lao mình vào kinh nghiệm mới này, vì đây là lần đầu tiên sau 12 năm lãnh chức linh mục, cha Vinh Sơn làm việc mục vụ của người mục tử. Giáo dân trong xứ cũng phấn khởi không kém, vì chưa bao giờ thấy một vị mục tử như vậy: phụng vụ được thay đổi, các lớp giáo lý cũng vậy. Cha mở một lớp dự tu với 12 thiếu niên, trong số đó có Antoine Portail sau này trở thành linh mục bạn thân của ngài. Chính ngài đã nhìn nhận hạnh phúc của ngài trong thời gian này: Tôi có một tập thể giáo dân rất tốt và biết nghe lời khi tôi xin họ điều gì, nếu tôi nói với họ tới xưng tội vào ngày Chúa Nhật đầu tháng, họ nghe theo ngay. Họ đã tới xưng tội và tôi thấy sự tiến tới hằng ngày của các tâm hồn này. Tôi được an ủi biết bao và tôi rất hài lòng để tự nói với mình: lạy Chúa, con thật sung sướng có được số tín hữu quá tốt! Và con có thể thêm rằng ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng không sung sướng như một cha xứ được ở giữa một dân Chúa có lòng tốt như vậy.[4]

Tuy nhiên, hạnh phúc của một “cha xứ sống giữa dân mình” ở Clichy rất ngắn; nhưng cha có kinh nghiệm của việc mục vụ đích thực, vừa có phần đòi buộc vừa phải hăng say nhiệt thành. Sau một năm, theo lời khuyên của cha linh hướng Bérulle, cha Vinh Sơn đã nhận lời làm tuyên úy cho gia đình Gondi.

(Còn tiếp)  


CHUYÊN MỤC: LẦN BƯỚC THEO CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ(Click để xem thêm)

BƯỚC THỨ NHẤT: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT CẬU BÉ CHĂN SÚC VẬT- MỘT SINH VIÊN CHỦNG SINH ĐẦY THAM VỌNG(CLICK ĐỂ XEM BÀI VIẾT)

BƯỚC THỨ HAI: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI GẶP NHIỀU GIAN NAN THỬ THÁCH

BƯỚC THỨ BỐN: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC GIA SƯ KHÁM PHÁ RA SỰ NGHÈO KHỔ THIÊNG LIÊNG VÀ SỰ DỐT NÁT CỦA HÀNG GIÁO SỸ

BƯỚC THỨ NĂM:VINH SƠN PHAOLÔ MỘT LINH MỤC ĐANG ĐƯỢC CHÚA BIẾN ĐỔI THÀNH KHÍ CỤ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

BƯỚC THỨ SÁU: VINH SƠN PHAOLÔ QUAN TÂM ĐÀO TẠO HÀNG GIÁO SĨ ĐƯỢC MỜI LÀM CỐ VẤN CHO HỘI ĐỒNG TƯ VẤN QUỐC GIA

BƯỚC THỨ BẢY: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT VỊ THÁNH TÔNG ĐỒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT


[1] ĐTC Lêô XIII, ngày 02.5.1885, đặt Thánh Vinh Sơn làm quan thày mọi tổ chức từ thiện bái ái trong GH và ngoài GH.
[2] Jean MORIN, CM-Tuyển tập vinh sơn I, trang 23

[3] Luigi MEZZADRI, trang 15
[4] Coste IX, 646