LẦN BƯỚC THEO
CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ
(1581-1660)

VỊ TÔNG ĐỒ NGƯỜI NGHÈO
BỔN MẠNG CÁC TỔ CHỨC TỪ THIỆN BÁC ÁI[1]

Lễ mừng hằng năm: 27.9


BƯỚC THỨ BỐN: VINH SƠN PHAOLÔ 
MỘT LINH MỤC GIA SƯ KHÁM PHÁ RA SỰ NGHÈO KHỔ THIÊNG LIÊNG VÀ TÌNH TRẠNG DỐT NÁT CỦA HÀNG GIÁO SĨ

Những lời bộc bạch của Cha Vinh Sơn về hạnh phúc của một “cha xứ sống giữa dân mình” ở Clichy, cho chúng ta thấy: tuy thời gian làm quản xứ này rất ngắn nhưng đã làm cho cha vui tươi, triển nở hơn, dù rằng vẫn còn phảng phất chút gì đó của ước mơ có bổng lộc, có địa vị cao. Giờ đây, ngoài những trải nghiệm đau thương của kiếp nô lệ biệt xứ, của kẻ bị vu khống ăn cắp tiền, của người đang khủng hoảng đức tin; cha có thêm kinh nghiệm của một cha xứ hạnh phúc vì đã chu toàn tốt sứ mạng của người mục tử nhân lành.

Nhưng chẳng bao lâu, theo lời khuyên của cha Pierre de Bérulle, vào năm 1613 cha Vinh Sơn nhận lời làm gia sư cho hai người con của ông bà Gondi, nhưng vẫn giữ nguồn lợi vật chất từ nhà xứ Clichy.[2] Đây là một gia đình quí tộc, giầu có và nhiều thế lực. Cha làm gia sư cho các con của gia đình: dạy những điều sơ đẳng về La ngữ và Pháp văn, trước khi hai công tử bước vào bậc trung học. Dĩ nhiên cha rất có ảnh hưởng trên các con, nhưng tầm ảnh hưởng đó còn mạnh hơn nhiều trên cha mẹ; chính vì thế cha đã thành công trong việc làm cho ông Gondi từ bỏ một trận đấu kiếm quyết liệt, liên hệ đến danh dự của ông mà ông muốn bảo vệ. Ngoài việc làm gia sư, Vinh Sơn còn phải dạy đạo cho nhóm gia nhân đông đảo. Hơn nữa, bà Gondi cũng thán phục vị gia sư linh mục này, bà xin cha làm linh hướng cho bà. Cha Vinh Sơn ngần ngại không muốn chấp nhận, có lẽ vì đoán trước sẽ có nhiều khó khăn. Bà nhờ cha Bérulle can thiệp, cha Vinh Sơn đành phải cúi đầu, tuy vẫn giữ sự khôn ngoan thận trọng. Bà là một phụ nữ thánh thiện, quảng đại nhưng hơi bối rối. Bà muốn có cha luôn bên cạnh để trình bày những vấn đề lương tâm và được hướng dẫn.  

Vì công vụ, ông Gondi, Thống Tướng chỉ huy đội chiến thuyền, hay vắng nhà lâu ngày; bà Gondi cai quản chẳng những gia đình mà còn cả những lãnh địa của gia đình nữa. Bà thường mời cha Vinh Sơn tháp tùng đi thăm những vùng đất của bà.

Tháng giêng năm 1617, cha được mời tới làng Folleville giải tội cho một nông dân đang hấp hối. Cha đã sững sờ trước lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với tội nhân này. Ông đã giấu nhiều tội trọng lâu năm, nay ông mới thú ra và được tha thứ hết. Ông đã ra đi về Nhà Cha trong sự bình an, hạnh phúc. Bà Gondi cũng bàng hoàng không kém và lo lắng hỏi cha Vinh Sơn xem có thể làm được điều gì cho dân làng. Bà gợi ý cho cha nói với giáo dân trên tòa giảng, đồng thời mời gọi họ đi xưng tội chung. Trước tình cảnh đáng thương đó, cha Vinh Sơn động lòng trắc ẩn, vội vã mở tuần đại phúc, giáo dân đi xưng tội rất đông, phải nhờ các cha Dòng Tên tới giúp. Hôm đó là ngày 25.01.1617, ngày lễ thánh Phaolô được ơn hoán cải và tin theo Chúa Kitô.

Vinh Sơn cảm nhận, qua biến cố người dân quê nghèo nàn này, Thiên Chúa đang muốn hé mở cho cha một điều gì đây. Thật vậy, ông già này nhìn bên ngoài là một người tốt lành, nhưng ông đã giấu nhiều tội trọng lâu năm, chỉ vì không tin tưởng các linh mục thời đó: các ngài sống bê bối và cũng không thuộc công thức giải tội nữa. Ngoài ra, còn biết bao người trong các làng khác thì sao? Chính vì thế, khi tháp tùng bà Gondi trong các cuộc thăm viếng từ thiện, cha bắt đầu lưu ý đến cảnh lầm than tràn lan trong các vùng nông thôn này, nhiều gia đình rất chật vật về kinh tế, lại còn nghèo khó hơn về mặt thiêng liêng, vì hàng giáo sĩ địa phương không có thực lực trong nhiệm vụ của mình. Vì thế, với sự yêu cầu của ông bà Gondi, cha Vinh Sơn cố gắng bổ khuyết những thiếu sót của các linh mục trong lãnh địa của ông bà. Ngài ra sức dạy giáo lý, giải tội và giảng giải. nhờ những hoạt động mục vụ này, cha Vinh Sơn thoát ra khỏi những tâm trạng nghi nan, u sầu và tìm lại được sự quân bình. 
(Còn tiếp)


CHUYÊN MỤC: LẦN BƯỚC THEO CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ(Click để xem thêm)

BƯỚC THỨ NHẤT: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT CẬU BÉ CHĂN SÚC VẬT- MỘT SINH VIÊN CHỦNG SINH ĐẦY THAM VỌNG(CLICK ĐỂ XEM BÀI VIẾT)

BƯỚC THỨ HAI: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI GẶP NHIỀU GIAN NAN THỬ THÁCH

BƯỚC THỨ BA: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI TIẾP TỤC SỐNG ĐỨC TIN – MỘT CHA XỨ HẠNH PHÚC

BƯỚC THỨ NĂM:VINH SƠN PHAOLÔ MỘT LINH MỤC ĐANG ĐƯỢC CHÚA BIẾN ĐỔI THÀNH KHÍ CỤ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

BƯỚC THỨ SÁU: VINH SƠN PHAOLÔ QUAN TÂM ĐÀO TẠO HÀNG GIÁO SĨ ĐƯỢC MỜI LÀM CỐ VẤN CHO HỘI ĐỒNG TƯ VẤN QUỐC GIA

BƯỚC THỨ BẢY: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT VỊ THÁNH TÔNG ĐỒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT


[1] ĐTC Lêô XIII, ngày 02.5.1885, đặt TVS làm quan thày mọi tổ chức từ thiện bái ái trong GH và ngoài GH.
[2] Jean MORIN, CM-Tuyển tập vinh sơn I, trang 25