LẦN BƯỚC THEO
CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ
(1581-1660)

VỊ TÔNG ĐỒ NGƯỜI NGHÈO
BỔN MẠNG CÁC TỔ CHỨC TỪ THIỆN BÁC ÁI[1]

Lễ mừng hằng năm: 27.9


BƯỚC THỨ SÁU: VINH SƠN PHAOLÔ
QUAN TÂM ĐÀO TẠO HÀNG GIÁO SĨ ĐƯỢC MỜI LÀM CỐ VẤN CHO HỘI ĐỒNG TƯ VẤN QUỐC GIA

Cha Vinh Sơn và các Giáo Sĩ

Một khi đã được chạm đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, cảm nếm sự bình an hạnh phúc từ nguồn suối mát này, cha Vinh Sơn đã chuyển tải Lòng Thương Xót đó đến những tất cả những tâm hồn Chúa Quan Phòng cho ngài gặp gỡ trên hành trình đi tìm kiếm thánh ý Chúa. Tuy nhiên, là người con của Giáo Hội, cha luôn quan tâm tới tương lai của Giáo Hội. Cùng với một vài bạn thân, cha suy nghĩ vận mệnh của Giáo Hội phần lớn tùy thuộc vào hàng giáo sĩ. Nhưng hàng giáo sĩ kỳ cựu đã quá quen với nếp sống an nhàn, hưởng thụ, không dễ gì thay đổi được. Tốt hơn là bắt đầu với bước thứ nhất rồi sẽ có các bước tiếp theo, nghĩa là quan tâm tới các ứng sinh mới.

Từ ý tưởng đơn sơ nhưng thực tiễn này đưa tới một hiệu quả tốt đẹp là ngày 17.9.1628  bắt đầu có chương trình chuẩn bị cho các thày tiến chức tại Beauvais. Vào thời đó, người ta ít quan tâm tới việc đào tạo các linh mục: các ngài chỉ cần biết đọc, biết viết; thêm vào đó một vài khái niệm về các nghi thức, và một ít kiến thức sơ sài. Người ta chỉ học để làm những cử chỉ, chứ không cần hiểu ý nghĩa, cũng không để có một phong cách sống.[1] Chương trình chuẩn bị này được đưa vào Paris. Có chương trình nhưng tại đây thiếu cơ sở cần thiết cho công việc này. Chúa Quan Phòng lại an bài rất tài tình với món quà bất ngờ được hiến tặng cho cha Vinh Sơn, đó là cơ sở của một tu viện sắp đóng cửa, tu viện Saint-Lazare, được ký kết vào ngày 01.01.1632.

Chẳng bao lâu nhà Saint-Lazare tiếp nhận rất nhiều khách. Trước hết là những cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức thuộc giáo phận Paris, sáu đợt mỗi năm, mỗi đợt có khoảng 60 tham dự viên. Mọi người được ăn ở miễn phí. Rồi đến các cuộc tĩnh tâm của các giáo dân.

Ngoài việc tìm kiếm tài chánh cho các phí tổn ăn ở của những người tĩnh tâm, cha Vinh Sơn còn phải tìm cách mời được những nhà giảng thuyết tài năng nhất trong thủ đô đến Saint-Lazare. Kết quả rất tốt đẹp: các cuộc tĩnh tâm chuẩn bị như thế này đã để lại nơi các tân linh mục những tâm tình biết ơn Thiên Chúa đã tin tưởng trao sứ mệnh mục tử, đồng thời họ cũng biết phận sự của người chủ chăn.

Nhưng để duy trì được những tâm tình và trạng thái tốt đẹp này, cha Vinh Sơn đã lắng nghe các vị này đề nghị và ngài thuận theo. Đó là qui tụ những người đã tham dự tĩnh tâm mỗi tuần một lần, và nó trở thành “cuộc hội thảo ngày thứ ba”. Dù rất bận rộn, chính cha Vinh Sơn đích thân chủ tọa các buổi hội thảo này, và ngài trung thành với việc này cho đến cuối đời. Các đề tài hội thảo xoay quanh đời sống Đức Giêsu Kitô, Linh Mục Tối Cao của các linh mục, và tình thương đối với các linh hồn.  Tiếng tăm của hội này lan tỏa ra và lôi kéo thêm nhiều vị tới tham dự. Trong số các vị đã đến đây, có rất nhiều vị sau này được tấn phong Giám Mục hay Tổng Giám Mục. 

Năm 1642, tại Pháp có nhiều biến cố chính trị xảy ra. Sức khoẻ của vua Louis XIII giảm sút nhiều. Trong những tháng cuối đời, nhà vua đã triệu cha Vinh Sơn đến hỏi ý kiến về việc chọn những Giám Mục cho những địa phận trống tòa.[2] Khi vua Louis hấp hối, cha cũng được mời vào và cha đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của nhà vua vào ngày 15.5.1643.

Vì hoàng tử Louis XIV còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi lên ngôi, bà hoàng hậu Anne d’Autriche lên làm nhiếp chính triều đình. Mọi quyền hành cai trị nước được giao cho thủ tướng Mazarin, nhưng bà vẫn giữ cho bà quyền điều khiển một cơ quan được thành lập từ thời thủ tướng trước là Richelieu, đó là Hội Đồng Tư Vấn, hiểu là tư vấn các việc tôn giáo, và cha Vinh Sơn giữ chức tư vấn hội đồng này trong 10 năm.  (Hình cha Vinh Sơn tại dinh hoàng hậu nước Pháp)

(Còn tiếp)


CHUYÊN MỤC: LẦN BƯỚC THEO CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ(Click để xem thêm)

BƯỚC THỨ NHẤT: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT CẬU BÉ CHĂN SÚC VẬT- MỘT SINH VIÊN CHỦNG SINH ĐẦY THAM VỌNG(CLICK ĐỂ XEM BÀI VIẾT)

BƯỚC THỨ HAI: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI GẶP NHIỀU GIAN NAN THỬ THÁCH

BƯỚC THỨ BA: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI TIẾP TỤC SỐNG ĐỨC TIN – MỘT CHA XỨ HẠNH PHÚC

BƯỚC THỨ BỐN: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC GIA SƯ KHÁM PHÁ RA SỰ NGHÈO KHỔ THIÊNG LIÊNG VÀ SỰ DỐT NÁT CỦA HÀNG GIÁO SỸ

BƯỚC THỨ NĂM:VINH SƠN PHAOLÔ MỘT LINH MỤC ĐANG ĐƯỢC CHÚA BIẾN ĐỔI THÀNH KHÍ CỤ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

BƯỚC THỨ BẢY: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT VỊ THÁNH TÔNG ĐỒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT


[1] X. Luigi MEZZADRI, Tiểu sử thánh Vinh Sơn Phaolô, trang 43
[2] X. Coste II, 382