LẦN BƯỚC THEO
CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ
(1581-1660)

VỊ TÔNG ĐỒ NGƯỜI NGHÈO
BỔN MẠNG CÁC TỔ CHỨC TỪ THIỆN BÁC ÁI[1]

Lễ mừng hằng năm: 27.9


BƯỚC THỨ NĂM:VINH SƠN PHAOLÔ
MỘT LINH MỤC ĐANG ĐƯỢC CHÚA BIẾN ĐỔI THÀNH KHÍ CỤ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Biến cố người nông dân nghèo được hưởng Lòng Thương Xót của Chúa vào giây phút cuối đời, làm lan tỏa Lòng Thương Xót đó đến các người dân quê khác. Thật vậy, sau bài giảng của cha Vinh Sơn, ngày 25.01.1617,  rất đông người được ơn Chúa thúc đây đã đến tòa giải tội xưng thú những tội lỗi cất giấu nhiều năm qua và được Chúa tha thứ. Sự kiện này đã gây ấn tượng lớn nơi cha Vinh Sơn: cha luôn bị bứt rứt bởi ý tưởng rất nhiều linh hồn có nguy cơ không được hưởng phần rỗi đời đời, vì không có mục tử tốt để dìu dắt họ.

Cha Vinh Sơn mời gọi một vài linh mục cùng đi đến các làng khác trong lãnh địa của bà Gondi để rao giảng và cũng gặt được những thành quả rất tốt đẹp. Ở đâu ngài cũng ngộ ra sự kém hiểu biết về sứ vụ của các linh mục và đời sống bê bối của các ngài là những nguyên nhân chính gây ra sự khô khan nguội lạnh của đoàn chiên. Cha dần dần nhận ra mình phù hợp với việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo ở miền quê theo kiểu truyền giáo lưu động.

Lâu đài của gia đình Gondi giờ đây trở nên chật hẹp, ngột ngạt đối với cha Vinh Sơn. Cha muốn thoát ra khỏi nơi đây, cha hỏi ý kiến cha Bérulle, vị này không nói gì  rõ ràng, nhưng đề nghị cha Vinh Sơn đảm nhiệm giáo xứ Châtillon-les-Dombes. Cha Vinh Sơn đồng ý ngay. Cha rời Paris cuối tháng 7 và chính thức làm cha sở Châtillon ngày 01.8.1617. Sự quyết định rời bỏ cơ cấu an toàn một cách mau lẹ như vậy là một dấu chỉ bước đầu của cuộc hoán cải.

Đến Châtillon, ngài viết thư cho ông Gondi để xin lỗi vì đã bỏ nhiệm sở, viện lý do: “mình không có đủ các đức tính cần thiết để làm gia sư cho một gia đình quyền quí như thế[1]. Châtillon là một ngôi làng vừa được sáp nhập vào nước Pháp, có khoảng 2.000 cư dân mà phần lớn theo đạo Tin lành. Ở đó có sáu linh mục, các ngài thích lui tới các quán rượu hơn là cầu nguyện và làm phận sự của người mục tử. Chính vì thế, cộng đoàn giáo dân ngày một sa sút, còn những người thuộc phái Tin lành ngày càng phát triển.

Đứng trước bối cảnh này, cha Vinh Sơn cùng với hai cha phó và các cha khác cư ngụ tại Châtillon lên kế hoạch. Các cha làm thành một gia đình nhỏ, có kỷ luật, với thời khóa biểu và các sinh hoạt rõ ràng: thức dậy, giờ kinh phụng vụ, thăm viếng người nghèo và người bệnh, giải tội…Giáo dân trong xứ được đánh động bởi gương sống của các cha, đã kéo đến nhà thờ ngày càng đông; nhiều người Tin lành trở lại với Giáo Hội Công Giáo.

Khoảng 3 tuần sau, chính xác là ngày 20.8.1617, một biến cố khác xảy ra, định hình rõ nét hơn ơn gọi của cha Vinh Sơn. Chúng ta hãy nghe chính cha kể lại: “một ngày Chúa nhật kia, khi tôi đang mặc áo lễ, có người đến nói với tôi rằng, trong một căn nhà cách xa những nhà khác, cách đó một phần tư dặm(1 km), hết thảy mọi người đều lâm bệnh, không có một ai khỏe mạnh để giúp đỡ những người kia, mọi người đều ở trong một tình trạng thiếu thốn không thể tả được. Điều đó khiến tôi xúc động mãnh liệt”[2].

Lập tức cha thay đổi đề tài bài giảng. Lời nói của cha có sức thuyết phục, mọi người đều hưởng ứng. Ngày hôm đó, giáo dân lũ lượt đến thăm và cứu trợ gia đình này như đi rước kiệu. Cha Vinh Sơn được đánh động  về lòng hảo tâm của giáo dân, tuy nhiên cha tỏ ra rất nhạy bén khi nhận định: “Đây là đức ái lớn lao nhưng chưa được tổ chức; những bệnh nhân nghèo này có quá nhiều thức ăn trong một lúc, mà một phần sẽ hư thối và dư thừa; rồi sau đó họ lại rơi vào sự túng thiếu như ban đầu[3].

Cùng ngày đó, sau khi ủy lạo gia đình này và cho họ rước lễ, cha qui tụ một vài phụ nữ tốt lành để nghiên cứu cách thức tiếp tục công việc cứu trợ này, đề nghị với họ góp tiền và thay phiên nhau mỗi người một ngày, nấu súp “không chỉ cho các bệnh nhân này nhưng  còn lo cho những người sắp tới nữa”[4]. Tất cả đều vui mừng. cha Vinh Sơn biên soạn một bản nội qui và trao cho họ. Từ đó, hội “CÁC BÀ BÁC ÁI” ra đời. Như thế, Chúa Quan Phòng đã dùng cha Vinh Sơn khởi sự một hình thức hiệp hội giáo dân trong Giáo Hội, cách riêng là nữ giới, để cộng tác với hàng giáo sĩ, trong việc phục vụ anh chị em vừa thể xác vừa tâm linh.

Quả thật, năm 1617 đúng là năm của Lòng Thương Xót, đồng thời cũng là năm của khúc quanh sáng tạo trong cuộc đời cha Vinh Sơn. Qua các biến cố trong cuộc sống, Thiên Chúa đã tôi luyện cha Vinh Sơn, làm cho cha luôn trông chờ vào lòng thương xót của Chúa. Cha chỉ thật sự có sự bình an khi được chạm vào lòng thương xót của Chúa và nghiệm ra ơn gọi linh mục mà Chúa ban cho cha là để rao giảng Tin Mừng và phục vụ người nghèo, chứ không phải để thăng tiến bản thân và làm giàu cho gia đình. Khi đó cha được 36 tuổi. 

Từ nay, cha có thể làm dự phóng khá rõ ràng và cụ thể: giảng tuần đại phúc theo cách đã làm ở Folleville và thiết lập các Hội Bác Ái để thăm viếng và phục vụ bệnh nhân nghèo tại nhà họ, như đã làm ở Châtillon.

Việc giảng tuần đại phúc lúc ban đầu tập trung vào các dân nghèo trong vùng đất của dòng họ Gondi, bằng cách đi từ làng này tới làng khác. Công việc phát triển tốt đẹp, nhanh chóng  và có nhiều hướng đi khác nhau trong sự quan phòng của Thiên Chúa và TU HỘI TRUYỀN GIÁO được chính thức thành lập cách hợp pháp ngày 17.4. 1625, để chuyên việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.

Hội Bác Ái là một cơ cấu được thành lập lúc ban đầu là để chăm sóc các bệnh nhân nghèo tại nhà họ. Trong những dịp đi giảng tuần đại phúc, chỗ nào có bệnh viện cha đều ghé thăm và nhận thấy các bệnh nhân cũng bị bỏ rơi như khi ở nhà họ. Những lúc ấy cơ cấu được thích ứng với thực tại mới này. Khi cha Vinh Sơn được đề cử làm Tổng Tuyên Úy các chiến thuyề hoàng gia, cha có dịp tiếp cận một hình thức nghèo khổ và cùng cực khác, đó là các tù nhân chèo thuyền. Cha đến thăm một nhà tù nhỏ trong vùng, sau đó cơ cấu lại được thích ứng với hoàn cảnh cụ thể.

Cứ như thế, các Hội Bác Ái ngày càng được nhân rộng để thích ứng với các hoàn cảnh nghèo khổ với sự tham gia của rất nhiều phụ nữ và ngay cả các mệnh phụ danh giá nhất thuộc giới quí tộc Pháp. Cùng với các bà này, cha Vinh Sơn đưa sáng kiến, bàn bạc và lên kế hoạch và cha không bao giờ phải hối tiếc.

Khoảng năm 1623,  cha gặp bà Louise de Marillac, một phụ nữ suy kiệt về thể xác và tinh thần, vì đã trải qua nhiều đau khổ từ thơ ấu[5]. Trong ý định của Chúa Quan Phòng, cha là vị linh hướng mà Chúa đã tỏ cho bà trong ngày lễ Hiện Xuống năm 1623. Sau khi chồng qua đời năm 1625 thì cha trở thành điểm tựa vững chắc cho bà. Cha khuyên bà dành thời gian cầu nguyện chờ đợi thánh ý Chúa thể hiện chứ không nên lấn bước Ngài.

Bốn năm sau, 1629, được ơn Chúa thúc đẩy, bà xin cha Vinh Sơn đi phục vụ người nghèo. Cha vui mừng đón nhận thỉnh nguyện  này và sai bà đi thăm viếng những Hội Bác Ái mà cha đã thành lập trong và ngoài Paris. Đây đúng là khúc quanh cuộc đời của Louise.

Khi đi thăm viếng như vậy, bà Louise nhận thấy các bà quí phái đã dâng hiến tiền bạc, thời giờ và nhiều sự khác nữa, nhưng các bà đã không dâng hiến chính mình. Khi mệt nhọc, ngại ngùng các bà đã sai các nữ tỳ đi thế. Các cô gái này không dấn thân, cũng không yêu thương người nghèo thật lòng. Theo cha Vinh Sơn, cần có những nữ tỳ tình nguyện dành hết thời giờ và sức lực cho việc phục vụ này. Cha đã chẳng phải chờ đợi lâu, sự xuất hiện của cô thôn nữ Marguerite Naseau xin được đi theo cha Vinh Sơn phục vụ người nghèo, là một dấu chỉ của Thiên Chúa. Gương sáng của chị đã lôi cuốn được nhiều người. Cha Vinh Sơn giao các cô này cho bà Louise huấn luyện các cô biết làm các công tác phục vụ. Từ từ con số các cô tăng thêm.

Ngày 29.11.1633, cha Vinh Sơn cùng với bà Louise qui tụ các cô lại thành một nhóm những người dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, sống chung cộng đoàn với nhau và cùng nhau phục vụ Chúa nơi người nghèo.TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI cứ thế phát sinh một cách âm thầm như những công trình khác của Thiên Chúa.

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã biến đổi cha Vinh Sơn thành khí cụ của Lòng Chúa Thương Xót; rồi từ khí cụ này Thiên Chúa lại làm ra được biết bao nhiêu khí cụ khác để tuyên dương Lòng Thương Xót Chúa qua ngàn muôn thế hệ. Xin chúc tụng Chúa!
(Còn tiếp)


CHUYÊN MỤC: LẦN BƯỚC THEO CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ(Click để xem thêm)

BƯỚC THỨ NHẤT: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT CẬU BÉ CHĂN SÚC VẬT- MỘT SINH VIÊN CHỦNG SINH ĐẦY THAM VỌNG(CLICK ĐỂ XEM BÀI VIẾT)

BƯỚC THỨ HAI: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI GẶP NHIỀU GIAN NAN THỬ THÁCH

BƯỚC THỨ BA: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI TIẾP TỤC SỐNG ĐỨC TIN – MỘT CHA XỨ HẠNH PHÚC

BƯỚC THỨ BỐN: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC GIA SƯ KHÁM PHÁ RA SỰ NGHÈO KHỔ THIÊNG LIÊNG VÀ SỰ DỐT NÁT CỦA HÀNG GIÁO SỸ

BƯỚC THỨ SÁU: VINH SƠN PHAOLÔ QUAN TÂM ĐÀO TẠO HÀNG GIÁO SĨ ĐƯỢC MỜI LÀM CỐ VẤN CHO HỘI ĐỒNG TƯ VẤN QUỐC GIA

BƯỚC THỨ BẢY: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT VỊ THÁNH TÔNG ĐỒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT


[1] SV. I, 21
[2] Coste IX, 209
[3] Abelly, quyển I, trang 46
[4] Coste IX, 244
[5] X. Thánh nữ Louise de Marillac, gdanhducmebanon.org