fbpx

GIA ĐÌNH VINH SƠN – NGÀY GIỖ LẦN THỨ 145 CỦA THÁNH CATHERINE LABOURÉ

VỊ THÁNH THẦM LẶNG
1876 – 31.12 – 2021

Vào thế kỷ 19 tại Pháp, nền kinh tế chưa phát triển nhiều, lại thêm chiến tranh liên tục, sống được đến tuổi già như Sơ Catherine thì đúng là “thất thập cổ lai hy” (1806-1876).  Tuy nhiên, sau một thời gian dài phục vụ, sức khoẻ của Sơ đã giảm sút nhiều, lại thêm các chứng bệnh đau gân, sưng khớp và hen suyễn. Sơ phải làm một hy sinh rất lớn khi từ giã các cụ già, nhưng không hề than vãn và luôn thể hiện sự bình tâm. Từ nay, Sơ được giao một công tác khác, đó là gác nhà khách. Những lúc không có khách, Sơ luôn chăm chỉ lần hạt Mân Côi hoặc khâu vá quần áo.

Cuối tháng 12.1876, Sơ Catherine Labouré thấy mình ngày càng yếu dần, Sơ xin được lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân. Đến ngày 31.12, khi các chị em trong cộng đoàn vào thăm và đùa giỡn với Sơ ngày mai là Năm Mới, không phải là thời điểm “ra đi”;  Sơ Catherine trả lời: “không, tôi sẽ không thấy ngày mai!” Một Sơ trong cộng đoàn đem đến nhiều Ảnh Phép Lạ, Sơ Catherine  làm thành nhiều gói nhỏ cho các chị em, nhưng chưa đủ và Sơ xin thêm. Khi Sơ kia đem Ảnh tới và đặt vào tay: “Sơ Catherine, Ảnh của chị đây”. Không nghe trả lời và Ảnh vung vãi trên giường. Lúc ấy là 18g30. Sơ Catherine Labouré “ra đi” thật!

Sơ phụ trách cộng đoàn là Sơ Dufès bỏ dở bữa ăn, vội chạy lên phòng bệnh nhân. Cả cộng đoàn tụ họp lại. Sơ Catherine đã dự liệu phụng vụ cho giờ hấp hối của mình: 63 lời cầu trong Kinh Thần Vụ lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Cả cộng đoàn đọc kinh, Sơ Catherine hình như tham gia đọc kinh nhưng không nghe được giọng của Sơ. Các Sơ tiếp tục đọc kinh cầu cho người hấp hối và lời cầu: “Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ”.


Sơ Catherine đã hoàn tất hành trình dương thế và sung sướng đi về
gặp Chúa, Đức Mẹ và thánh Vinh Sơn”.

Sơ Catherine nằm yên và thiếp đi một cách êm ái, nhẹ nhàng, không đau đớn. Sơ Catherine đã hoàn tất hành trình dương thế và sung sướng đi về “gặp Chúa, Đức Mẹ và thánh Vinh Sơn”, như một trong những lời cuối Sơ thường nói. 

Một hồi chuông vang lên, không phải là thông lệ, nhưng là vì Sơ Catherine Labouré. Hồi chuông như xé toang sự thầm lặng 46 năm qua. Sơ Dufès đọc cho các Sơ trong cộng đoàn nghe đoạn văn mà Sơ Catherine đã viết cho Sơ vào ngày 30 tháng 10 năm 1876, sau khi đã được phép Đức Mẹ cho tiết lộ bí mật này. Từ khi Đức Mẹ hiện ra tới giờ, chỉ một mình cha giải tội Aladel biết được câu chuyện trọng đại này, nhưng ngài đã qua đời năm 1865, tuy các Ảnh Đức Mẹ đã được truyền đi khắp nơi nhưng không ai biết người đã được Đức Mẹ trao sứ mạng cao cả này. Nay, màn cơ mật đã được mở ra, không phải đồn đoán gì nữa: “Vâng, chính Sơ là người đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ!” Người ta canh thức, chụp ảnh, khi thì cho Sơ đội lúp thời Tập Viện, khi thì đội chiếc mũ cánh chim.

Sáng hôm sau, ngày mồng một tháng giêng, tin tức loan đi khắp nơi và nhiều người tuôn đến: “người ta đông quá, tưởng như dưới đất chui lên vậy”, cô cháu gái của Sơ ngạc nhiên và thốt lên. Một cháu khác nói: “Bà Catherine thu hút như một vị thánh”. Còn các Sơ trong cộng đoàn thì nhận xét: “Khi một người chị em qua đời, nỗi buồn xâm chiếm chúng tôi. Nhưng khi Sơ Catherine qua đời, chúng tôi không cảm thấy buồn và không ai khóc cả.” Ngược lại, khi bí mật  được mở ra, niềm vui bùng phát! Sơ Catherine vốn là người thầm lặng nhưng lại vui tính và biết làm bùng lên xung quanh Sơ niềm vui cho đến khi chết.

Vào năm 1933, khi phong chân phước cho Sơ Catherine Labouré, Đức Thánh Cha Piô XI đã lấy đề tài chính của vị tân chân phước này là: “nghĩ về một người phụ nữ giữ bí mật suốt 46 năm ròng rã[1]. Thật vậy, sự thầm lặng của Sơ, cụ thể là việc giữ bí mật trong suốt 46 năm đã thu hút những người đương thời. Người ta đã đưa ra nhiều phỏng đoán, nhiều điều kinh ngạc về người nữ tu đã được diễm phúc diện kiến Đức Mẹ trong những lần Mẹ hiện ra.[2]Trong sự thầm lặng, Sơ Catherine hoàn toàn có ích và cũng hoàn toàn sáng rõ như vào lúc các cuộc hiện ra. Nếu chỉ có giai đoạn các cuộc hiện ra, hẳn là chúng ta không có thánh Catherine Labouré. Thậm chí điều ấy có thể hoàn toàn trái ngược nếu, sau các cuộc hiện ra, Sơ tự ý đi trước, hẳn là Sơ nhận được nhiều sự tán thưởng nhưng không phải là dụng cụ sáng rõ này, mà càng ngày Sơ càng trở nên, khi sống các đặc sủng hằng ngày với sự vô cùng khiêm tốn về hành vi và lời nói. Qua đời sống của Sơ tại Reuilly, chúng ta có thể chiêm ngắm hình bóng sự mầu nhiệm thầm lặng của Đức Maria ở Nazarét, về việc mà người ta hầu như không kể lại gì cả, ngoại trừ thái độ sâu xa của người nữ tỳ khiêm tốn của Chúa”.[3] 

 Sơ Catherine Labouré được Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong hiển thánh  ngày 27.7.1947. Ngài đã tóm tắt đời sống của thánh nữ trong câu: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn[4].

Như vậy, hiển nhiên là Sơ Catherine Labouré  được phong thánh không phải vì đã diện kiến Đức Mẹ hiện ra, nhưng vì Sơ là một người bé mọn, một người đã có một đời sống thầm lặng, không phô trương, không tìm cách làm vinh danh mình, nhưng luôn sẵn sàng để Chúa sử dụng mình như thế nào cho vinh danh Chúa, nên Sơ  luôn bình an giữa muôn vàn khó khăn, mệt nhọc với công việc phục vụ người già, bị hiểu lầm, bị khinh thường…Nơi Sơ thật ứng nghiệm lời ngợi khen của sứ thần khi loan báo tin Chúa sinh ra cho các mục đồng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,  bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”[5]

 Xin thánh Catherine Labouré phù hộ cho chúng ta cũng luôn biết lựa chọn để hành động cho vinh danh Chúa trước tiên, phần còn lại Chúa sẽ an bài cho chúng ta cách trọn vẹn và bình an. Ngày lễ Giáo Hội dành kính nhớ Sơ hằng năm là ngày 28.11, kế tiếp ngày kỷ niệm cuộc hiện ra lần thứ 2 của Đức Mẹ với Sơ.


Thi hài của Thánh Catherine Labouré  còn nguyên vẹn,
được đặt tại nhà nguyện 140 phố Bắc, Paris, nơi Đức Mẹ đã hiện ra năm 1830.


Liên quan tới Thánh Catherine Labouré:

Thánh nữ Catherine Labouré (1806-1876),


[1] Joseph Dirvin, CM. St. Catherine Laboure of the Miraculous Medal, p. 104
[2] X. Frances Ryan, Nữ Tử Bác Ái – Sự thầm lặng của thánh Catherine Labourê
[3] Anne Prévost, Nữ Tử Bác Ái – Đức Trinh Nữ Maria và Catherine Labouré, TVTH số 4/2014, trang 50   
[4] Mt 11, 25
[5] Lc 2,14

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *