fbpx

LẦN BƯỚC THEO CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ – BƯỚC THỨ HAI

LẦN BƯỚC THEO
CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ
(1581-1660)

VỊ TÔNG ĐỒ NGƯỜI NGHÈO
BỔN MẠNG CÁC TỔ CHỨC TỪ THIỆN BÁC ÁI[1]

Lễ mừng hằng năm: 27.9


BƯỚC THỨ HAI: VINH SƠN PHAOLÔ
MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI
GẶP NHIỀU GIAN NAN THỬ THÁCH

Được thụ phong linh mục xong, cha Vinh Sơn tìm cách đạt cho được giáo xứ Tilh, nhưng lại bị một người khác tranh chấp. Người này làm đơn thỉnh nguyện sang Rôma, Vinh Sơn đành cam chịu. Sau một thời gian ngắn, cha đã đến Rôma. Để làm gì? Không ai biết rõ lý do, chỉ biết rằng chuyến đi này đã để lại cho cha một ấn tượng sâu xa, vì là lần đầu tiên ngài tới “kinh thành muôn thuở”, thủ đô của Giáo Hội. Hơn nữa, năm đó Rôma cử hành “năm toàn xá” với tất cả những việc đạo đức tốt đẹp và long trọng của nó. Ba mươi năm sau, cha Vinh Sơn có dịp chia sẻ với một cha thừa sai đang thi hành sứ vụ tại Rôma: “Thưa cha, cha thật hạnh phúc biết bao được bước đi trên mảnh đất nơi bao nhiêu nhân vật vĩ đại và thánh thiện đã bước qua! Ý nghĩa này đã gây xúc động mãnh liệt nơi tôi, khi tôi ở Rôma, cách đây 30 năm, đến độ, mặc dù tôi đầy tội lỗi, tôi cũng không khỏi cảm động, đến chảy nước mắt, dường như thế.[1]   

Sau một thời gian ngắn ở Rôma, Vinh Sơn trở về Toulouse tiếp tục học Thần học. Sau 7 năm (1597-1604) cha nhận được bằng tú tài thần học. Với văn bằng này, cha có quyền giảng dạy công khai, nếu muốn. Nó cũng cho phép cha mơ ước tới một nhiệm sở sáng lạn và nhiều bổng lộc hơn trong một giáo xứ miền quê, hoặc có được một địa vị cao hơn trong Giáo Hội.

Nhưng vấn đề cấp bách của thời gian này là tài chánh. Ngài rất muốn có tiền và có thật nhiều, để trang trải nợ nần và đầu tư vào những việc khác nữa.[2] May mắn thay! Có một quả phụ muốn để lại gia tài của bà cho cha, nhưng gia tài đó đang nằm trong tay một con nợ, và con nợ thì đã cao chạy xa bay. Không chần chừ, Vinh Sơn lên đường tìm con nợ và đã bắt gặp được người này tại Marseille.

Lấy lại được số tiền, cha tìm đường trở về Toulouse. Để tiết kiệm tiền bạc, cha nghe lời khuyên nên đi đường biển hơn là đường bộ.  Đây chính là khởi điểm cho cuộc phiêu lưu mạo hiểm.

Thuyền chở cha Vinh Sơn đi bị tàu hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ cướp phá, cha bị trúng thương. Khi tàu cập bến Tunis, cha được đưa lên bờ và bị bán làm nô lệ. Cha được trưng bày ở chợ nô lệ. Người mua có quyền xem xét lựa chọn như lựa chọn một con thú vật, trước khi mua hay không mua. Khi đã mua rồi, người đó đem tên nô lệ về nhà và có toàn quyền sử dụng tên nô lệ đó, bắt làm bất cứ việc gì tùy thích, có thể giữ lại hay bán cho người khác!

Trước tiên, cha được bán cho một người ngư phủ, nhưng chẳng bao lâu lại được  bán lại cho ông chủ khác, một vị y sĩ già: “người chủ thứ hai là một nhân vật kỳ lạ, ‘một y sĩ già, chuyên nghề luyện kim’. Ông này tỏ ra rất nhân đạo và dễ chịu”.[3]

Cha Vinh Sơn ở đây khoảng 11 tháng. Sau đó, ông qua đời, cha được trao lại cho người cháu của vị y sĩ già này. Ông chủ mới này lại bán cha cho ông chủ nông trại ở một vùng xa xôi hẻo lánh.

Ông chủ thứ tư này là người Công Giáo, nhưng đã bỏ đạo, sống theo kiểu người Hồi Giáo và có tới 3 bà vợ. “Một bà là tín đồ Hồi Giáo. Bà rất xúc động nghe cha hát thánh vịnh, nhất là kinh Salve Regina, bà đã thuật lại cho chồng nghe và do đó đã làm bừng dậy trong lòng ông tình yêu quê hương và sự luyến tiếc đối với đức tin đã bị đánh mất”.[4]

Sau đó, ông chủ nhà, được ơn Chúa thúc đẩy, gọi tên nô lệ đến và cho biết ông đang tìm dịp để trốn về Pháp. Họ chuẩn bị và chờ đợi thời cơ. Cùng với tên nô lệ, người chủ bội giáo này đã vượt biển và cập bến: “chúng tôi trốn đi trên một chiếc thuyền con, và đến Aigues-Mortes ngày 28.6”.[5]

 Vào tới nước Pháp, tên nô lệ trở thành ân nhân của ông chủ. Ông được hòa giải với Chúa và Giáo Hội. Còn cha Vinh Sơn có dịp tháp tùng Đức Phó Khâm Sứ Pierre Montorio đi Rôma.

Đứng trước những gian nan thử thách, vị linh mục trẻ tuổi Vinh Sơn này đã có dịp sử dụng những tiềm năng Chúa ban cho, để ứng xử trong mọi hoàn cảnh, nhất là biết cách gây thiện cảm nơi người khác. Nhưng đặc biệt nhất là cha phải nỗ lực sống Đức Tin và chính Đức Tin đã nâng đỡ ngài: “Chúa luôn làm cho tôi tin sẽ được giải thoát nhờ những lời cầu nguyện tôi hằng dâng lên Người và dâng lên Đức Trinh Nữ Maria; chỉ nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ mà tôi tin vững vàng mình đã được giải thoát.[6]    

(Còn tiếp)


CHUYÊN MỤC: LẦN BƯỚC THEO CHA THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ(Click để xem thêm)

BƯỚC THỨ NHẤT: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT CẬU BÉ CHĂN SÚC VẬT- MỘT SINH VIÊN CHỦNG SINH ĐẦY THAM VỌNG(CLICK ĐỂ XEM BÀI VIẾT)

BƯỚC THỨ BA: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC TRẺ TUỔI TIẾP TỤC SỐNG ĐỨC TIN – MỘT CHA XỨ HẠNH PHÚC

BƯỚC THỨ BỐN: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT LINH MỤC GIA SƯ KHÁM PHÁ RA SỰ NGHÈO KHỔ THIÊNG LIÊNG VÀ SỰ DỐT NÁT CỦA HÀNG GIÁO SỸ

BƯỚC THỨ NĂM:VINH SƠN PHAOLÔ MỘT LINH MỤC ĐANG ĐƯỢC CHÚA BIẾN ĐỔI THÀNH KHÍ CỤ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

BƯỚC THỨ SÁU: VINH SƠN PHAOLÔ QUAN TÂM ĐÀO TẠO HÀNG GIÁO SĨ ĐƯỢC MỜI LÀM CỐ VẤN CHO HỘI ĐỒNG TƯ VẤN QUỐC GIA

BƯỚC THỨ BẢY: VINH SƠN PHAOLÔ – MỘT VỊ THÁNH TÔNG ĐỒ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT


[1] Bernard PUJO, Vinh Sơn Phaolô, người tiên phong, THTGVS, trang 27
[2] Xem Nt. trang 28-29
[3] Nt. trang 33
[4] Luigi Mezzadri, tiểu sử thánh vinh sơn phaolô, trang 11
[5] Bernard PUJO, Vinh Sơn Phaolô, người tiên phong, THTGVS, trang 34
[6] Nt. trang 37

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *